28,8% giảng viên có bằng tiến sĩ

Theo thống kê, năm 2019 Việt Nam có 73.312 giảng viên, công tác tại 237 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.

Trong đó, gần 21.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ (hơn 28%), hơn 44.700 giảng viên có trình độ thạc sĩ (60,9%). Con số này tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2005 (12% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 32% giảng viên trình độ thạc sĩ).

Tỷ lệ sinh viên/giảng viên của Việt Nam là 27. Trong khi đó, theo dữ liệu của UIS, năm 2015, tỷ lệ sinh viên/giảng viên của Indonesia là 22, Malaysia 16 và Hàn Quốc 14.

{keywords}
Hơn 20.000 giảng viên có bằng tiến sĩ (chiếm 28,8%)

Số giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình quốc tế cũng ngày một nhiều. Hiện nay, 20 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam triển khai các “chương trình tiên tiến”, chủ yếu trong lĩnh vực STEM và kinh doanh bằng cách áp dụng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của các trường đại học hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, còn có khoảng 350 chương trình hợp tác quốc tế do 85 trường đại học Việt Nam phối hợp với 258 trường đại học từ 33 quốc gia. Trong đó, nhiều nhất là Pháp (86 chương trình), Anh (85 chương trình), Hoa Kỳ (84 chương trình), Úc (49 chương trình) và Trung Quốc (34 chương trình). 

7 trường đạt chuẩn kiểm định quốc tế

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, sau gần 2 thập kỷ, công tác bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm của Việt Nam đã có những kết quả quan trọng bước đầu.

“Toàn ngành đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế về kiểm định để lựa chọn hướng đi phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đã xây dựng, ban hành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện…”.

Điều quan trọng nhất, các cơ sở giáo dục đại học đã nhận thức rõ ràng hơn tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng. Nhờ vậy, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (IQA) tại các cơ sở đào tạo ngày càng phát triển.

Tính đến tháng 7/2020, đã có 141 trường đại học, 8 trường cao đẳng đã hoàn thành đánh giá ngoài, được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trong đó, có 7 cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.

Toàn hệ thống có 311 chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng, trong đó có 190 chương trình đào tạo được kiểm định theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều đại học vào top thế giới

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng công bố quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học tăng hơn 3 lần so với 7 năm trước. 

Tính đến cuối năm 2019, có 256 đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, viện nghiên cứu đào tạo đại học và sau đại học có công bố quốc tế… Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học chiếm 90,3% số lượng, tương ứng với 11.118 công bố trên các tạp chí, hội nghị và sách quốc tế.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 khu vực ASEAN về số lượng công bố quốc tế trên tạp chí Scopus giai đoạn 2015-2019, xếp sau Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan.

5 năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam liên tục có mặt trong các bảng xếp hạng đại học Châu Á và thế giới.

Việt Nam có 3 trường đại học lot top 1000 theo bảng xếp hạng Times Higher Education năm 2020 là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Còn theo xếp hạng các đại học xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020 do ARWU (Trường ĐH Giao thông Thượng Hải) công bố, Việt Nam có Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào top 701-800.

Ngoài ra, Việt Nam còn có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng tốt nhất năm 2021 trong khu vực Châu Á do Tổ chức giáo dục QS (Vương quốc Anh) bình chọn. Danh sách này đã tăng 3 trường so với trước (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM).

Ngọc Linh

Toán học Việt Nam trong top 40 thế giới

Toán học Việt Nam trong top 40 thế giới

Toán học Việt Nam được xác định ở vị trí trong khoảng 35-40 trên thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN (chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế).