Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai, từ năm 2013 đến 2016, 3 bị cáo gồm Nguyễn Thế Quang (SN 1957), nguyên Chánh văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND tỉnh Gia Lai.
Nguyễn Thị Lựu (SN 1967) nguyên Trưởng phòng Hành chính-Tổ chức - Quản trị.
Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi (SN 1990), Kế toán Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai.
3 bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, lập dự toán kinh phí của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai trùng dự toán kinh phí 7 biên chế của Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai (đã được Văn phòng Quốc hội cấp dự toán riêng), với mục đích được cấp thêm một khoản kinh phí để chi vào mục đích chung của đơn vị.
Trên cơ sở dự toán do các bị cáo lập khống có thêm 7 biên chế của Đoàn ĐBQH nên đã được Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai cấp trùng dự toán kinh phí 7 biên chế cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai với tổng số tiền từ năm 2013 đến năm 2016 là hơn 2,3 tỉ đồng.
Sau khi được cấp dự toán trùng, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai đã chi hết số tiền này, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng.
Trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định, bị cáo Quang là thủ trưởng đơn vị, ký các văn bản chứng từ liên quan có tính chất quyết định đến việc dự toán kinh phí trùng gây thiệt hại cho ngân sách nên có vai trò cao nhất trong vụ án.
Bị cáo Lựu là Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, phụ trách kế toán biết rõ Văn phòng Quốc hội cấp dự toán ngân sách cho 7 biên chế nhưng vẫn tham mưu, dự toán cấp trùng.
Bị cáo Vi là kế toán, sau khi phát hiện việc đưa 7 biên chế của Đoàn ĐBQH vào lập dự toán ngân sách cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là sai và đã loại khỏi danh sách. Thế nhưng, Lựu không đồng ý mà yêu cầu Vi đưa bảy biên chế vào dự toán cấp trùng.
Kết thúc phiên tòa HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Quang 10 năm tù; bị cáo Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Lựu 6 năm 6 tháng tù.
Hải Dương