Lễ hội Xuân Yên Tử kéo dài 3 tháng trong năm (được khai mạc vào ngày 10 tháng Giêng). Đây là lễ hội lớn nhất miền Bắc. Năm nay lượng khách về Yên Tử ước tính khoảng trên 2 triệu lượt. Phẩn lớn du khách đánh giá cao về công tác tổ chức lễ hội và quản lý hòm công đức.
Theo Ban Tổ chức, ngoài việc du khách hành hương về Yên Tử để tỏ lòng thành kính với Đức Vua Phật hoàng Trân Nhân Tông, cầu cho một năm bình an, hạnh phúc, thì họ còn phải được hưởng trọn không khí trong lành, tĩnh tại của khung cảnh núi rừng nơi đây. Sau mỗi chuyến hành trình về Đất Phật, ai cũng có cảm giác như tìm lại chính mình.
Chính vì vậy, công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được các cấp chính quyền, doanh nghiệp và Ban trị phật giáo tỉnh hết sức quan tâm. Theo đó, mỗi ngày có hơn 30 công nhân dọn vệ sinh môi trường, vận chuyển rác thải ra khỏi khu di tích. Hàng quán dịch vụ từ chùa Giải Oan lên chùa Đồng được di chuyển xuống phía dưới. Các kiốt bán hàng không được niêm yết giá, chèo kéo, chặt chém du khách đã bị dỡ bỏ.
Ngoài ra, 3 nhà ga cáp treo gồm: Giải Oan, Hoa Yên và An Kỳ Sinh hoạt động hết công suất, nhưng không đáp ứng kịp số lượng khách. Lượng khách những ngày đầu năm rất đông, có thời điểm hơn 100.000 người.
Năm nay, lượng khách quốc tế tăng đột biến, chủ yếu là khách Nhật Bản và Hàn Quốc. Du khách khi hành hương về Yên Tử được toại tâm, toại ý thể hiện tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Năm nay, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã hoàn thành công tác trùng tu tôn tạo các hạng mục: Chùa Một Mái, Mắt Rồng, khu Tháp Tổ… Đặc biệt, Tháp Huệ Quang, nơi lưu giữ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông là điểm nhấn tâm linh trong hệ thống chùa, tháp ở Yên Tử.
Ngoài trang trí nội tự, Ban trị sự Phật giáo tỉnh còn hướng dẫn du khách nghi thức hành lễ, bỏ tiền công đức đúng nơi quy định, không dắt tiền lẻ vào tay tượng Phật. Các nơi thờ tự được sắp xếp theo đúng nghi lễ Phật giáo, hòm công đức được đặt đúng theo quy đinh của Bộ Văn hóa ban hành.
Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử, được khởi dựng thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Năm 2007, chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6 m, rộng 3,6 m, cao 3,35 m và nặng hơn 70 tấn. Ngôi chùa trông như một đài sen, nơi thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm. Điểm nhấn khu Danh thắng Yên Tử, là bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc bằng đồng nguyên khối, nằm trên đỉnh An Kỳ Sinh, nơi được nhiều Phật tử chiêm bái.
Yên Tử là nơi phát tích dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và là nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Đức hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông sau 2 lần lãnh đạo quân, dân Đại Việt đại thắng giặc Nguyên Mông (1285- 1288) đã bỏ lầu son điện ngọc xuất gia về Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Một dòng thiền mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Yên Tử là một bảo tàng sống về giá trị lịch sử, văn hoá tâm linh, một bảo tàng về đa dạng sinh học với nguồn dược liệu quý cùng sự kỳ vĩ của rừng núi trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú đã tạo cho nơi đây tiền năng để phát triển du lịch.
Thanh Hòa