Những cuộc đụng độ giữa các sĩ quan cảnh sát và người biểu tình ủng hộ Palestine trong khuôn viên nhiều trường đại học đã thu hút sự chú ý của dư luận nước Mỹ. Theo thống kê của đài NBC News, trong 3 tuần qua, hơn 2.000 người đã bị bắt trên khắp nước Mỹ.
Những ngày gần đây, hình ảnh các vụ bắt giữ người biểu tình tại Đại học Columbia và Đại học California ở Los Angeles (UCLA) đã gây chú ý đặc biệt. Các cuộc biểu tình chính trị và đối đầu nảy lửa giữa lực lượng hành pháp và người biểu tình cũng đã xuất hiện tại hàng chục cơ sở khác trên khắp nước Mỹ từ các trường công lập ở miền nam và trung tây đến khối trường Ivy League ở đông bắc.
Theo thống kê, ít nhất 2.100 người ở Mỹ đã bị bắt từ ngày 17/4 đến tối ngày 2/5. Có ít nhất 100 vụ bắt giữ tại 8 cơ sở bao gồm Cao đẳng Emerson và Đại học Đông Bắc ở Boston, Đại học Washington ở St. Louis, và Đại học Texas ở Austin.
Làn sóng bắt giữ cũng đã gây ra cuộc tranh luận căng thẳng về cách các nhà quản lý trường đại học, sở cảnh sát, thị trưởng các thành phố lớn, và lãnh đạo cộng đồng thực thi luật pháp mà không vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Trong khi đó, nhiều lãnh đạo tại các trường đại học đã lên tiếng bảo vệ quyết định nhờ lực lượng hành pháp can thiệp khi nghi ngờ những người biểu tình có hành vi xâm phạm, hoặc gây mất trật tự. Trong một số trường hợp, mức độ phản ứng mạnh của cảnh sát đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía những người biểu tình và các nhà hoạt động.
Hôm nay (3/5), hàng trăm người phản đối cuộc chiến của Israel chống lại nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza cũng đã tập hợp tại một trong những trường đại học hàng đầu của Australia, đồng thời yêu cầu nhà trường cắt đứt quan hệ với các công ty có liên quan tới Israel. Hành động này được cho lấy cảm hứng từ làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine mà các sinh viên ở Mỹ đang tiến hành.
Theo hãng tin Reuters, những người ủng hộ Palestine đã dựng trại vào tuần trước bên ngoài hội trường chính của Đại học Sydney, một trong những cơ sở giáo dục đại học lớn nhất ở Australia. Các trại tương tự cũng đã xuất hiện tại các trường đại học ở Melbourne, Canberra, và nhiều thành phố khác của Australia.
Không giống như ở Mỹ, nơi cảnh sát buộc phải có hành động quyết liệt giải tán hàng loạt người biểu tình ủng hộ Palestine dựng trại tại một số trường đại học, các địa điểm biểu tình ở Australia diễn ra yên bình với sự hiện diện ít ỏi của cảnh sát.
Ông Mark Scott, Phó hiệu trưởng Đại học Sydney, hôm 2/5 nói với truyền thông địa phương rằng khu trại ủng hộ người Palestine có thể ở lại trong khuôn viên trường do không xuất hiện bạo lực như ở Mỹ. Trong khi một số xe cảnh sát đậu ở lối vào trường đại học, không có cảnh sát nào có mặt nơi cuộc biểu tình diễn ra.
Vốn là đồng minh của Israel, nhưng Australia đang gia tăng sự chỉ trích trước cách hành xử của Israel ở Dải Gaza. Hồi tháng 4, một nhân viên cứu trợ người Australia đã thiệt mạng trong đợt cuộc tấn công của Israel. Những người biểu tình ủng hộ Palestine cáo buộc chính phủ Australia chưa làm đủ để thúc đẩy hòa bình ở Dải Gaza.
Một số hình ảnh người biểu tình tập trung ở Đại học Sydney để phản đối cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza: