Theo cơ quan ngư nghiệp địa
phương, ngư dân tỉnh Hải Nam và Quảng Đông (Trung Quốc) đang đồng loạt ra
khơi sau khi lệnh cấm đánh cá (đơn phương của Trung Quốc) hết hiệu lực.
Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: THX |
Tờ Nhật báo Trung Quốc cho hay, tại Dương Giang - một thành phố cảng của Quảng Đông, hơn 1.000 tàu cá đang hướng ra biển. Theo Lưu Côn, phó tỉnh trưởng Quảng Đông, từ hôm qua (1/8), hơn 14.000 tàu cá đăng ký ở Quảng Đông sẽ bắt đầu hải trình ra Biển Đông đánh bắt cá.
Ở tỉnh Hải Nam, khoảng 9.000 tàu với 35.611 ngư dân sẽ đánh bắt ở Biển Đông. Lâm Lực Kim, thuyền trưởng tàu Qiong Sanya 11181, lên kế hoạch đánh bắt xa bờ từ một cảng ở Tam Á, Hải Nam vào thứ bảy. "Sau tháng 9, chúng tôi sẽ đánh bắt tại Quảng Tây, rồi ra quần đảo Tây Sa", Lâm nói. (Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là Tây Sa).
Chiều qua, hãng thông tấn của Trung Quốc là Tân Hoa xã chính thức dẫn lời giới chức hàng hải tỉnh Hải Nam thông báo gần 9.000 tàu cá đã "sẵn sàng" xuôi xuống Biển Đông vì lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa đã chấm dứt cùng ngày.
Thông tin của THX còn nói rõ các ngư dân tới Tây Sa (thực chất là Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) cần đề phòng có bão. Đây là một hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, tiếp theo hàng loạt sự kiện vừa qua khiến dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là việc Trung Quốc cố tình hợp lý hóa cái gọi là "thành phố Tam Sa".
Tin của THX cũng nhắc lại việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đồng thời dẫn lời một quan chức của thành phố được thành lập trái phép này rằng các ngư dân được khuyến khích "đóng tàu to và thăm dò vùng biển sâu" vì tỉnh Hải Nam định chuyển trọng tâm từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ.
Trước đó, chiều 15/7, một đội gồm 30 tàu cá xuất phát từ tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc đã tới một địa điểm đánh bắt cá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 13/7, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Ngày 24/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước việc ngày 19/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và việc ngày 21/7 phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu đại hội đại biểu nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Thái An tổng hợp