Nghị quyết 36a của Chính phủ Được ban hành tháng 10/2015, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tại Nghị quyết 36a, Bộ Tài chính được giao 5 nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: ghi loại chi CNTT theo phân ngành kinh tế trong hệ thống mục lục ngân sách như quy định tại Luật CNTT năm 2006, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương thực hiện; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử; thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; trong đó cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế.

Tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng; tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống Hải quan điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước - Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng các dịch vụ công điện tử phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua mạng, triển khai tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương trước 1/4/2016 và đánh giá, đề xuất triển khai diện rộng trong các năm 2017 và 2018; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc thu phạt vi phạm hành chính qua mạng điện tử.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ - đơn vị được Chính phủ giao chủ trì triển khai thực hiện Nghị quyết 36a cho biết, trong 5 nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết, Bộ Tài chính đã hoàn thành 2 nhiệm vụ, 3 nhiệm vụ đang được cơ quan này tiếp tục triển khai.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 324 quy định hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước trong đó bổ sung thêm khoản 314 “CNTT” thuộc loại 280 “các hoạt động kinh tế” để phản ánh các khoản chi bố trí trực tiếp cho lĩnh vực CNTT.

Thực hiện Nghị quyết 41 ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam, Bộ Tài chính đang triển khai thực hiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế thu nhập doanh nghiệp về quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực KH&CN để thực hiện Luật Công nghệ cao, Luật KH&CN; bổ sung ưu đãi thuế với dự án thuộc lĩnh vực CNTT như cung cấp dịch vụ phần mềm, sản xuất nội dung thông tin số (được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo).

Cũng trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp 933 thủ tục dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 263 dịch vụ công trực tuyến mức 1; 339 dịch vụ công trực tuyến mức 2; 85 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 246 dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính đã hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp triển khai việc đăng ký và xuất hóa đơn điện tử có xác thực tại Cục Thuế TP.Hà Nội và TP.HCM. Tính đến khoảng cuối tháng 8/2017, tổng số hóa đơn được xác thực là trên 4,9 triệu hóa đơn, tổng doanh thu đã xác thực là 41,3 nghìn tỷ đồng, tổng số thuế đã xác thực là trên 2,6 nghìn tỷ đồng.

Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cũng đã thí điểm nộp thuế điện tử cho thuê nhà và hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho các Chi cục trực thuộc Cục Thuế TP.Hà Nội và TP.HCM. Tính đến giữa tháng 8/2017 tổng số tờ khai điện tử đã tiếp nhận là 18.645 tờ.

Cùng với đó, đã triển khai ứng dụng hoàn thuế điện tử từ ngày 15/5/2017 trên toàn quốc. Báo cáo quý III/2017 của Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết 36a cho hay, đã có 1.344 doanh nghiệp kê khai hoàn thuế điện tử với tổng số hồ sơ tiếp nhận là 3.117 hồ sơ và tổng số tiền đề nghị hoàn thuế là hơn 17,1 nghìn tỉ đồng.

Việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống Hải quan điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối một cửa ASEAN cũng đã được Bộ tài chính tiếp tục thực hiện. Đến tháng 8/2017, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 11 bộ, ngành. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 29 thủ tục hành chính của 10 bộ, ngành đã thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hơn 478,8 nghìn bộ, trên 13,6 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Bộ Tài chính cũng đang xây dựng các dịch vụ công điện tử phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua mạng, triển khai tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và hoàn thiện đề án đẩy mạnh việc thu phạt vi phạm hành chính qua mạng điện tử.