Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Tại Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được Chính phủ giao 4 nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư qua mạng điện tử (với chỉ tiêu cần đạt là trước ngày 1/1/2017 tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 10%, đăng ký đầu tư đạt 5%; trước ngày 1/10/2016, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của TP.Hà Nội đạt 10-15%, của TP.HCM đạt 20-30%; trước ngày 1/1/2017, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng điện tử của TP.Hà Nội và TP.HCM đạt 10%); Công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh trên Trang tin doanh nghiệp và Cổng dịch vụ công Quốc gia; rà soát, đánh giá và kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết; Cung cấp trực tuyến dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp đến các bộ, ngành, địa phương liên quan; Tổ chức thực hiện đấu thầu mua sắm công qua mạng.
Cả 4 nhiệm vụ nêu trên đều đã được Bộ KH&ĐT hoàn thành trong năm 2016. Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Bộ KH&ĐT là 1 trong 7 cơ quan đã hoàn thành 100% nhiệm vụ cụ thể được Chính phủ giao, cùng với 6 cơ quan khác là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, đối với nhiệm vụ thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư qua mạng điện tử, không chỉ hoàn thành trước thời hạn mà các chỉ tiêu đạt được trong năm 2016 đều vượt chỉ tiêu Chính phủ yêu cầu. Cụ thể, số liệu lũy kế của cả năm 2016, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của cả nước là 14%, của Hà Nội là 18% và của TP.HCM là 25,37%. Tỷ lệ đăng ký đầu tư qua mạng tính đến cuối năm ngoái đã đạt 46,5%.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a đã được Văn phòng Chính phủ công bố, trong quý II/2017, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của cả nước là 39,8% (tỷ lệ này trong quý I/2017 là 31,7% - PV); trong đó, thành phố Hà Nội đạt tỷ lệ 65,9% và TP.HCM đạt tỷ lệ 51,5% (trong quý I/2017, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng của TP.Hà Nội là 62,03% và của TP.HCM là 42,29%).
Riêng với TP.HCM, địa phương này có triển khai một kênh đăng ký qua mạng riêng, trong quý II/2017, đã có tổng số 7.565 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã đăng ký thành công, chiếm 12,6% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng cho hay, về tỷ lệ đăng ký đầu tư qua mạng điện tử, trong quý II/2017 có 5.177 hồ sơ, trong đó số hồ sơ kê khai qua mạng đạt 2.042 hồ sơ, đạt tỷ lệ 39,4%.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đã hoàn thành các nhiệm vụ: công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn; Cung cấp trực tuyến dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại trang web https://dangkykinhdoanh.gov.vn.
Đối với nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện đấu thầu mua sắm công qua mạng, theo số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT, tỷ lệ gói thầu chào hàng cạnh tranh thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng đến hết quý II/2017 đạt 10%; và tỷ lệ gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng trên toàn quốc đạt 8,6%. Trong quý I/2017, các tỷ lệ này lần lượt là 9,8% và 6,5%.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, tại Nghị quyết 61 được ban hành ngày 12/7 vừa qua về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36a, nhất là việc hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết; tổ chức thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Quyết định 846 ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin mạng; chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, thường trực phương án ứng cứu, đảm bảo an toàn, thông suốt hệ thống CNTT thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.