Theo các đơn vị khối an toàn thông tin của Bộ TT&TT, việc xử lý, bóc gỡ mã độc lây nhiễm trên thiết bị CNTT của khối cơ quan nhà nước đang có tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm 2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, trong khuôn khổ chương trình Đoàn công tác liên ngành do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu đến làm việc tại Liên bang Nga, đoàn công tác đã làm việc với Công ty an ninh mạng Kaspersky Lab và được Chủ tịch, Giám đốc điều hành Kaspersky và các chuyên gia giới thiệu, chia sẻ thông tin về an toàn thông tin mạng, đồng thời cảnh báo về tình hình tấn công mạng tại Việt Nam.
Cụ thể, theo Kaspersky, Việt Nam đứng đầu trong Top 10 quốc gia bị tấn công vào các máy tính mạng công nghiệp, đứng thứ 7 trong Top 10 quốc gia bị tấn công bởi các loại mã độc mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc, đứng thứ 5 trong nhóm 10 quốc gia bị tấn công bởi mã độc đòi tiền ảo, đứng thứ 8 trong nhóm 10 quốc gia bị nhiễm mã độc hại qua thiết bị USB. Tỷ lệ máy tính, mạng máy tính bị nhiễm mã độc ngày càng gia tăng với tốc độ ước tính khoảng hơn 300% mỗi năm, đã phát hiện hơn 100 triệu mã độc lây nhiễm tại Việt Nam, đa phần là máy tính văn phòng. Mục tiêu tấn công thường là các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, cơ sở giáo dục, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông, CNTT. Hình thức tấn công chủ yếu là thực hiện lây lan mã độc qua thư điện tử giả danh, ổ cứng/thẻ nhớ cắm ngoài, liên kết trên các website độc hại và trang mạng xã hội.
Trước thực trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam rất đáng báo động kể trên, để nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại, cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại và Chỉ thị 02 ngày 4/7/2018 về bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng.
Tiếp đó, ngày 14/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1017/QĐ-TTg phê duyệt Đề án giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 để tăng cường khả năng phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các sự kiện, sự cố, dấu hiệu, hành vi, mã độc xâm phạm, nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng có khả năng gây mất an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử. Tháng 10/2018 vừa qua, Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Trung tâm này có chức năng giám sát, là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật; quản lý, vận hành các hệ thống số liệu, cơ sở dữ liệu về an toàn thông tin, hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin.
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2018 của các đơn vị khối an toàn thông tin của Bộ TT&TT gồm Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Cục An toàn thông tin và VNCERT hiện đang hỗ trợ giám sát và cảnh báo sớm các nguy cơ, tấn công mạng cho 24 Bộ, ngành và 52 địa phương với tổng số 10.717 hệ thống thông tin, 5.699 tên miền của cơ quan, tổ chức nhà nước. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng thường xuyên, liên tục giám sát tình hình an toàn thông tin trên không gian mạng và hạ tầng Internet công cộng.
Đánh giá về tình hình an toàn thông tin mạng Việt Nam năm 2018, các đơn vị khối an toàn thông tin của Bộ TT&TT cho biết, theo xu hướng chung trên thế giới, các cuộc tấn công mạng tăng về số lượng cũng như tính chất tinh vi, phức tạp. Theo các số liệu thống kê 6 tháng đầu năm, các cuộc tấn công mạng vẫn tăng cao so với 2017. Trước tình hình đó, một số giải pháp bảo đảm an toàn thông tin đã được đẩy mạnh triển khai quyết liệt trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2018. Điều này dẫn đến kết quả số lượng các cuộc tấn công mạng dẫn đến sự cố trong 2018 đã giảm so với năm 2017 khoảng 10% tính trên tổng thể.
Cụ thể, theo thống kê, trong năm 2018, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TT&TT ghi nhận 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 1.023 cuộc so với năm 2017. Trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing); 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface); 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).
Cùng với đó, việc xử lý, bóc gỡ mã độc lây nhiễm trên thiết bị CNTT của khối cơ quan nhà nước đang có tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm 2018. Thống kê cho thấy, năm 2018, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận 4.181.773 địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (botnet), giảm 296.024 địa chỉ IP so với năm 2017, tương đương 6%. “Đây là kết quả ban đầu của việc triển khai Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại. Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương đã tích cực phối hợp với Bộ TTTT trong việc phát hiện, xử lý bóc gỡ mã độc, trước mắt ưu tiên thực hiện đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước”, các đơn vị khối an toàn thông tin của Bộ TT&TT nhận định.
Cũng trong năm 2018, công tác triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương đã những chuyển biến tích cực, thể hiện ở sự tuân thủ các quy định của pháp luật và hướng dẫn, đôn đốc của Bộ TT&TT; các cơ quan, tổ chức đã bắt đầu dành sự quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư cho an toàn thông tin, cả về hệ thống kỹ thuật, chính sách, quy trình, đào tạo và diễn tập.
Các đơn vị khối an toàn thông tin của Bộ TT&TT cũng cho biết thêm, để xử lý, khắc phục tình trạng lây nhiễm mã độc trên môi trường không gian mạng Việt Nam, song song với việc chỉ đạo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin tiếp tục theo dõi, phát hiện và cung cấp thông tin về tình hình lây nhiễm mã độc trên toàn quốc, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh triển khai phối hợp với tất cả các bộ, ngành, địa phương trong cả nước để hướng dẫn, hỗ trợ phát hiện, xử lý bóc gỡ và tránh tái lây nhiễm mã độc cho các cơ quan, tổ chức cũng như người sử dụng trong cộng đồng.