Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai sau 40 ngày đi vào hoạt động đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu. Trong đó 10% là bệnh nhân trẻ dưới 44 tuổi. Ca bệnh trẻ nhất mới 14 tuổi, được chuyển vào viện cấp cứu do đau đầu dữ dội. Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị dị dạng mạch não.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, một tuần trở lại đây khi trời rét sâu, số bệnh nhân đột quỵ tiếp tục gia tăng, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 35-50 bệnh nhân, tăng gần 30% so với ngày thường.
Nguyên nhân vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, mạch máu giảm tính đàn hồi, dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch trong khi lòng mạch bị thu hẹp, từ đó dễ gây các biến chứng tắc, đứt mạch máu não...
Bệnh nhân đột quỵ chuyển vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu
Đặc biệt với người già, cơ thể thích ứng chậm với nhiệt độ thay đổi đột ngột, nếu mắc kèm thêm các bệnh mạn tính như tăng huyết áp khiến thành mạch máu bị thoái hoá dày lên, sẽ ảnh hưởng tuần hoàn não, động mạch đưa máu lên dễ bị tắc nghẽn...
Các nghiên cứu đã chỉ ra, nếu nhiệt độ giảm 5 độ C sẽ khiến tỉ lệ nhập viện vì đột quỵ tăng thêm 7%. Dù lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng hàng năm, song tỉ lệ bệnh nhân cấp cứu kịp trong khung giờ vàng vẫn thấp.
Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, mỗi ngày tiếp nhận hơn 30 ca đột quỵ, trong đó 17% là bệnh nhân dưới 40 tuổi. Bệnh nhân đột quỵ trẻ nhất điều trị tại trung tâm mới 13 tuổi.
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm cho biết, với người trẻ, nguyên nhân đột quỵ phổ biến nhất là do dị dạng mạch máu não. Đột quỵ thể nhồi máu não ở người trẻ ít gặp, mỗi năm chỉ vài trường hợp.
Những bất thường mạch não có thể xuất hiện từ khi bệnh nhân còn nhỏ, khi phình to đủ lớn hoặc có thể yếu tố tác động bổ sung khiến dị dạng vỡ ra. Tuy nhiên căn nguyên này hoàn toàn có thể phát hiện sớm và dự phòng nhờ kiểm tra mạch máu não sớm.
Khoa Cấp cứu đột quỵ và khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương có 100 giường bệnh song những ngày này cũng chật kín bệnh nhân. Số ca đột quỵ tại bệnh viện Tim Hà Nội cũng tăng khoảng 20% so với ngày thường.
Thống kê cho thấy, 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua.
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường xảy ra đột ngột trong khoảng thời gian ngắn, thường từ 2-20 phút sau đó tự hết. Những người bị cơn thiếu máu não thoáng qua 1 lần có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 9 lần những người khác.
Tại Việt Nam, theo thống kê mỗi năm có hơn 230.000 ca đột quỵ, hơn 50% trong số này bị tử vong, 90% các trường hợp bị đột quỵ còn sống để lại các biến chứng. Mỗi năm, số người bị đột quỵ tăng thêm 2%.
4 lưu ý phòng tránh đột quỵ
Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ thường do mắc tăng huyết áp (chiếm 80% các ca đột quỵ), tiểu đường, loạn nhịp tim, béo phì, tiền sử gia đình có người bị đột quỵ...
Ngoài ra do cuộc sống thay đổi, stress, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, hút thuốc, ô nhiễm môi trường… cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh lý đột quỵ.
PGS.TS Mai Duy Tôn cảnh báo, Sau đột quỵ lần 1, trong tuần đầu hoặc năm đầu tiên, tỉ lệ bệnh nhân tái phát lên tới 15-18% do đó những bệnh nhân bị mắc rồi cần phải có biện pháp dự phòng.
Thứ nhất, bệnh nhân cần kiểm soát huyết áp bằng cách tuân thủ uống thuốc đều đặn, ăn nhạt, tránh bị lạnh đột ngột phòng cơn tăng huyết áp kịch phát.
Thứ hai, luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt hạn chế ra ngoài vào ban đêm và sáng sớm. Từ bỏ thói quen tập thể dục quá sớm, nên thay khung giờ 4-5h sáng thành 7-9h hoặc có thể tập trong nhà nơi kín gió. Lưu ý khởi động kỹ trước khi tập và không tập gắng sức.
Thứ ba, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế chất béo đồng thời bỏ bớt rượu bia, thuốc lá…
Thứ tư, thường xuyên vận động phù hợp sức khoẻ với lượng 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần/tuần.
Hiện nay, rất nhiều gia đình tích trữ an cung ngưu hoàng hoàn trong nhà để dự phòng đột quỵ. Tuy nhiên, việc này vô tình có thể khiến bệnh nhân đột quỵ trầm trọng hơn, đặc biệt thể đột quỵ nhồi máu não.
“Thành phần sừng tê giác trong an cung không có tác dụng ngừa đột quỵ. Trong viên thuốc cũng chứa thạch tín, thủy ngân, vì vậy bệnh nhân không nên dùng, đặc biệt chống chỉ định với những bệnh nhân đột quỵ chảy máu não”, GS GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhấn mạnh.
Thực tế, an cung ngưu hoàng hoàn chỉ có tác dụng nhỏ với các trường hợp bị tai biến thiếu máu não, khi đó có thể giúp giảm đông máu, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có nguy cơ chảy máu trong vùng nhồi máu.
Ngược lại, nếu bị xuất huyết não, uống an ngưu hoàng hoàn càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu do máu không thể đông lại.
Trong khi đó, để xác định tai biến thiếu máu não hay xuất huyết não, các bác sĩ phải chụp chiếu, xét nghiệm. Do đó người dân không nên tuỳ tiện dùng thuốc.
Thúy Hạnh
Dấu hiệu sớm cảnh báo đột quỵ ai cũng cần biết
Trên 30% ca đột quỵ đều có dấu hiệu cảnh báo sớm. Do vậy người dân cần phát hiện sớm để có phương án dự phòng.