Thị trường bán lẻ hàng công nghệ tại Việt Nam đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn do người dân hạn chế chi tiêu, hạn chế tụ tập. Không riêng bán lẻ công nghệ, hầu như mọi ngành nghề kinh tế đều chịu tổn thất.
Từ thời khai sinh ngành bán lẻ điện thoại di động Việt Nam giữa những năm 1990 đến nay, đây là lần thứ hai ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề. Trước đó, khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã khiến nhiều đại gia bán lẻ Việt Nam gặp hạn.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008 khiến nhiều ngân hàng sụp đổ, kinh tế các nước trì trệ, nhiều người mất việc làm, mất nhà. Kinh tế Việt Nam không chịu ảnh hưởng nặng nề như Mỹ và phương Tây nhưng cũng có giai đoạn 2008-2009 cam go.
Như những ngành nghề khác, giai đoạn này nhiều cửa hàng di động tại TP.HCM nói riêng và cả nước gặp nhiều khó khăn, buộc phải đóng cửa và sa thải nhân viên.
Thời điểm 2008, các chuỗi lớn bao gồm Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Phước Lập Mobile, Viettel, FPT chiếm khoảng 40% quy mô thị trường. Trong đó, Viễn Thông A là anh cả của thị trường, ra đời năm 1996, có trên dưới 50 cửa hàng. Thế Giới Di Động năm đó có khoảng 40 cửa hàng.
Cả Thế Giới Di Động và Viễn Thông A đều có cửa hàng đặt tại nhiều quận huyện ở TP.HCM và đang trong giai đoạn mở rộng ra Hà Nội. Còn Phước Lập Mobile có khoảng dưới 30 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở khu vực TP.HCM.
Ba tên tuổi này tạo ấn tượng vì sở hữu những cửa hàng lớn ở các vị trí đắc địa khắp Sài Gòn. Trong khi đó, FPT có chuỗi IN, Viettel có các cửa hàng kết hợp bán lẻ điện thoại với gói cước, tuy nhiên các chuỗi này chưa tạo được ấn tượng khi so với 3 tên tuổi kia.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến sức mua, khiến doanh thu các đại gia bán lẻ di động bị ảnh hưởng, kéo theo đó là đóng cửa hàng và sa thải nhân viên. Cả Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Phước Lập Mobile đều đóng cửa một số địa điểm kinh doanh không hiệu quả.
Từ một anh cả tăng trưởng doanh thu đều đặn, lần đầu tiên Viễn Thông A phải đóng cửa một số cửa hàng và không đạt kế hoạch doanh thu vào năm 2008.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động cũng thu hẹp quy mô, sa thải nhân viên. Ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập Thế Giới Di Động, gọi thời điểm đó là giai đoạn đáng quên. Mỗi bộ phận trong công ty này chịu một “quota” cắt giảm nhân sự nhằm giúp công ty cắt bớt chi phí vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sau giai đoạn này, hầu hết các chuỗi đều vượt lên được. Thế Giới Di Động nhờ hệ thống quản trị tốt và nguồn vốn từ Mekong Capital rót đúng lúc trước đó đã nhanh chóng hồi phục và phát triển để trở thành hình mẫu bán lẻ tại Việt Nam. Viễn Thông A cũng gia tăng quy mô lên hàng trăm cửa hàng so với trước. Chỉ mỗi Phước Lập Mobile không mở rộng nhiều, sau đó rút lui khỏi thị trường.
Từ đó tới nay, ngành kinh tế nói chung chưa gặp cú sốc nào khác, ngành bán lẻ di động trải qua giai đoạn từ con gà đẻ trứng vàng và bắt đầu bão hoà, chưa biết sẽ phát triển tiếp theo ra sao.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều cửa hàng kinh doanh di động lớn nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội đã tạm thời đóng cửa. Một số chuỗi cửa hàng nhỏ cho biết doanh thu sụt giảm trầm trọng, còn 20-30% so với ngày thường, và có kế hoạch đóng hẳn cửa hàng.
Chịu thiệt hại nặng nề hơn có lẽ là những chuỗi có quy mô lớn. Ước tính Thế Giới Di Động mất khoảng gần 1.000 tỷ đồng nếu đóng hẳn khoảng 400 cửa hàng, FPT Shop có thể mất hơn 200 tỷ nếu đóng gần 200 cửa hàng. Cổ phiếu hai công ty này đều giảm mạnh theo đà chung.
Một số chuyên gia kinh tế thế giới dự báo nền kinh tế toàn cầu năm nay có thể tồi tệ hơn lần khủng hoảng 2008. Năm 2008, ngành tài chính chịu tổn thất lớn nhất, trong khi năm nay, hầu như toàn bộ các ngành đều bị ảnh hưởng. Các hoạt động hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập, cắt giảm chi tiêu của người dùng có thể ảnh hưởng nặng nề đến chi tiêu chung.