Thông tin mới nhất về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra với tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway - AAG vào ngày 18/2/2017 vừa được đại diện lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) chia sẻ. Theo đại diện này, thông tin từ đơn vị quản lý tuyến cáp AAG cho hay, dự kiến tàu sửa chữa cáp sẽ đến vị trí lỗi vào khoảng hơn 16 ngày 23/3/2017; mối hàn đầu tiên sẽ được hoàn thành vào 6h04 sáng ngày 25/3/2017 và thời gian hoàn tất mối hàn cuối cùng là vào 16h04 ngày 27/3/2017.
Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG tiếp tục gặp sự cố vào 17h15 ngày 18/2/2017. Cụ thể, trong lần thứ hai của năm nay cáp AAG gặp sự cố, tuyến cáp này bị đứt tại cáp nhánh cập bờ khu vực Hong Kong, ảnh hưởng lưu lượng Internet kết nối từ TP.HCM đi quốc tế trên tuyến cáp, làm giảm tốc độ truy nhập Internet tại một số thời gian cao điểm.
Theo nhận định của đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) về mức độ ảnh hưởng của sự cố đứt cáp biển AAG lần này với việc truy cập Internet quốc tế của người dùng Việt Nam, khi tuyến cáp AAG vốn cung cấp hơn phân nửa dung lượng Internet Việt Nam bị sự cố, chắc chắn Internet Việt Nam ít nhiều có bị ảnh hưởng. “Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến đâu phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng của các ISP và thời điểm sự cố. Lần này, cũng rất may là sự cố vào cuối tuần, có thể coi là thấp điểm và đúng lúc các ISP đang chú ý đưa cáp APG vào hoạt động, trong khi vẫn ở trong tình trạng ứng phó với sự cố của IA, cho nên tôi cho rẳng ảnh hưởng sẽ không lớn”, đại diện VIA chia sẻ.
Trước đó, trong thông tin phát ra sáng ngày 19/2/2017, cùng với việc thông tin cụ thể về các phương án khắc phục đã được triển khai, Viettel và VNPT đều khẳng định các khách hàng của doanh nghiệp mình hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự cố xảy ra với tuyến cáp quang biển AAG ngày 18/2/2017.
Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Từ khi được khai trương và đưa vào hoạt động năm 2009, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần gặp sự cố hoặc được bảo trì, khiến cho việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị chập chờn, thậm chí có thời điểm không thể tiến hành giao dịch. Lần đứt cáp AAG ngày 18/2/2017 là lần thứ hai trong năm nay và lần thứ 11 tính từ năm 2014 đến nay tuyến cáp quang biển quốc tế này gặp sự cố hoặc được bảo trì.