Việc phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý là một trong những nội dung các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu tập trung nhằm đảm bảo an toàn thông tin trong tiến trình chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ trong chỉ thị 02 hồi tháng 4/2022 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ hệ thống thông tin trước ngày 1/12/2022 và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ các hệ thống thông tin đang vận hành trước ngày 1/6/2023.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến tháng 12/2022, trong tổng số gần 3.100 hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, mới chỉ hơn 1.700 hệ thống được phê duyệt hồ sơ đảm bảo an toàn thông tin mạng theo cấp độ, đạt tỷ lệ 56,1%.
Cũng theo đánh giá của Bộ TT&TT, thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương chưa thực sự tập trung, chú trọng đến việc xác định cấp độ và phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Đối với riêng khối các cơ quan Đảng, Nhà nước, tỷ lệ hệ thống thông tin đã được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ mới chỉ đạt 53,9%.
Vì thế, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện xác định, phân loại và phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ của 100% hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.
Về tình hình an toàn thông tin mạng Việt Nam trong năm 2022, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 12.195 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam tăng 25,3% so với năm 2021. Trong hơn 12.100 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, có 4.491 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 1.711 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 5.993 cuộc tấn công cài mã độc (Malware).