Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 9 tháng, cả nước xảy ra 80 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.356 người bị ngộ độc, trong đó có 15 người tử vong.

Riêng tháng 9, cả nước ghi nhận 8 vụ khiến 381 người ngộ độc, 3 người tử vong. Một số vụ ngộ độc có số nạn nhân lên tới hàng chục, hàng trăm người như ngộ độc bánh mì Phượng tại Hội An (Quảng Nam), 56 học sinh trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện sau khi đi dã ngoại.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngộ độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân gây ra như độc chất, vi trùng, độc tố. Thực phẩm đóng vai trò như đường truyền gây ngộ độc. 

ngo doc thuc pham.png
Nhiều tác nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Nhiều tác nhân gây ra ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 nhóm tác nhân chủ yếu:

Thứ nhất, nhóm vi sinh vật, vi trùng nói chung trong đó phổ biến nhất là các vi khuẩn Ecoli, Salmonella, lị… Phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm tại nước ta cũng do nhóm này gây ra. Bác sĩ Nguyên chia sẻ nguyên nhân chủ yếu là bảo quản không đúng, chế biến chưa đảm bảo dẫn tới vi sinh vật tấn công vào thực phẩm và con người ăn phải. Trong số đó, Samolnella là nguy hiểm nhất.

Thứ hai, ngộ độc do độc chất, hóa chất trong quá trình nuôi trồng, bảo quản và chế biến. Các hóa chất hay gặp nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo quản. Ngộ độc do độc chất được đưa vào thực phẩm như xyanua, thạch tín. Ngộ độc do hóa chất có thể xảy ra cấp tính hoặc mãn tính. 

Thứ ba, thực phẩm có chứa độc tố. Một số thực phẩm đã chứa độc tố tự nhiên như nấm độc. Một số loại cá ở vùng rạn san hô cũng dễ nhiễm độc.

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trong quá trình ăn, sau ăn từ 3 phút tới 24 giờ, có từ hai người trở lên cùng ăn một loại thức ăn. Triệu chứng nhiễm độc do vi sinh phổ biến là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Trường hợp ngộ độc nặng có triệu chứng về tim mạch, thần kinh, tê bì, yếu cơ, mờ mắt, rối loạn nhịp tim và một số cơ quan khác.

Khi bị ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Nguyên khuyến cáo cần xác định rõ tình trạng người ngộ độc. Nếu đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy cần bù nước và theo dõi nhiệt độ cơ thể. Nếu bệnh nhân nôn liên tục, sốt cần nhanh chóng tới cơ sở y tế.

Trường hợp ngộ độc đơn lẻ hoặc một người mắc có thể do yếu tố hóa chất, độc tố tự nhiên, cần báo cơ quan y tế dự phòng hoặc cơ quan an toàn thực phẩm địa phương. Người nhà nên giữ lại thực phẩm để bảo quản và lưu mẫu xác định tìm rõ nguyên nhân cụ thể.

Ngộ độc thực phẩm hoàn toàn có thể phòng ngừa. Bác sĩ khuyến cáo các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ quy định an toàn thực phẩm. Người dân không nên ăn các thực phẩm có độc tố như nấm tự nhiên, cá nóc, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Võ Thu và nhóm PV, BTV