Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chính thức ra mắt và họp phiên đầu tiên vào ngày 20/9/2018 (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn) |
Phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào ngày 23/7/2019 là phiên họp thứ hai của Ủy ban này.
Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập ngày 28/8/2018 trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT, với sự tham gia của 10 thành viên Chính phủ và Chủ tịch các Tập đoàn, Tổng công ty lớn về CNTT, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban; và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký. Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc thiết lập các Ban chỉ đạo tại bộ, ngành, địa phương.
Để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025, trong đó Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và Tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban đóng vai trò là cơ quan bảo đảm thực thi Nghị quyết 17.
Báo cáo của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (gọi tắt là Tổ công tác) nêu rõ, ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác định năm 2019 là năm bứt phá về xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng Chính phủ điện tử. Cần phát huy vai trò của từng thành viên Chính phủ, nhất là các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, thành viên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban.
Cũng theo báo cáo của Tổ công tác, đến nay 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% các bộ, ngành và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17.
Đánh giá về kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua, Tổ công tác nhận định, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực đặc biệt đã có chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
“Việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, thành lập các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương và xác định những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết 17/NQ-CP được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới hiện nay”, Tổ công tác nhấn mạnh.
Tổ công tác cho hay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 17, huy động sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế và những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, sau 3 tháng triển khai, đã cơ bản hoàn thành được 10/16 nhiệm vụ cụ thể được giao trong 6 tháng đầu năm 2019.
Một số kết quả tích cực đã đạt được có thể kể đến như: từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ CNTT dần được tháo gỡ, các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương. Đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ Công quốc gia cũng đang được thực hiện. Đồng thời, công tác bảo đảm an toàn, an ninh đã được nhận thức đầy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ công tác, một số nội dung triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, còn tình trạng lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong bố trí kinh phí thực hiện, một số hệ thống đã triển khai nhưng việc khai thác, sử dụng chưa thật hiệu quả, vấn đề kết nối và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế; việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được chú trọng…