Sáng ngày 18/1, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) thông tin với VietNamNet, cơ quan này đang hoàn tất văn bản trình Bộ để xin ý kiến có đồng ý hay không đối với kiến nghị xin trích xuất nguồn gốc cây đào trồng của một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tinh thần chung là sẽ thống nhất với kiến nghị của một số địa phương về việc, bà con được thương mại đối với cây đào do người dân trồng trên nương, trên rẫy, không phải cây khai thác trong rừng.
Người dân được tự chủ buôn bán, vận chuyển đào không phải đào rừng |
“Với những cây đào do người dân trồng, không phải cây rừng, bà con hoàn toàn được chủ động khai thác, buôn bán, vận chuyển. Chính quyền địa phương khuyến khích xác thực nguồn gốc xuất xứ để bà con đủ điều kiện vận chuyển, buôn bán, như một loại cây phát triển kinh tế”, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.
Văn bản Bộ NN&PTNT quản lý, truy xuất nguồn gốc đào rừng
Bộ NN&PTNT ra văn bản về việc truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Trước đó, ngày 13/1, Sơn La là tỉnh đầu tiên kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên.
Một số huyện như Vân Hồ, Mộc Châu đã đề xuất in mẫu tem nhận dạng nguồn gốc để dán lên cây đào, trước khi khai thác, vận chuyển.
PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La Trần Dũng Tiến cho hay, toàn tỉnh có hơn 5.000 ha trồng đào, tập trung ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Nhiều năm qua, việc bán cành đào đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Kết quả kiểm tra, rà soát của địa phương này cho thấy, trên địa bàn không có đào rừng tự nhiên. Người dân mong muốn được thương mại đối với cây đào trồng, bởi nó là cây phát triển kinh tế của địa phương.
Huyện Vân Hồ dán tem cho đào nhà trồng trên nương, phân biệt với đào rừng |
Ngành nông nghiệp các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai đã tiến hành rà soát, kiểm kê diện tích đào trồng, tuyên truyền người dân không khai thác, chặt phá, buôn bán đào rừng.
Ông Đặng Văn Châu - GĐ Sở NN-PTNT Lai Châu thông tin, đơn vị cũng đang xây dựng phương án để chứng nhận đào trồng của người dân và ngăn chặn hoạt động chặt phá đào rừng.
Tại tỉnh Lào Cai, lãnh đạo Sở NN-PTNT khẳng định, địa phương này không truy xuất nguồn gốc cây đào do chỉ có đào trồng vườn nhà nên sẽ không cần truy xuất.
Trước đó, tại hội nghị của ngành nông nghiệp ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sau đó giải thích thêm, Thủ tướng chỉ yêu cầu cấm chặt đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết, chứ không cấm mua bán đào do người dân miền núi hoặc miền xuôi trồng.
"Người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp Tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi Tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng", ông Dũng nói và cho rằng việc nghiêm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên không khó, chỉ cần các địa phương, bộ ngành vào cuộc nghiêm túc sẽ có hiệu quả.
Nhiều tỉnh khẳng định mua bán đào trồng dịp Tết không có trở ngại gì
Lãnh đạo ngành nông nghiệp hai tỉnh Điện Biên, Sơn La khẳng định, đào trồng trên nương rẫy, không phải cây rừng, người dân hoàn toàn được chủ động buôn bán, vận chuyển, không bị ngăn cấm.
Thái Bình