Thống báo từ Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cho biết, sàn sẽ giao dịch trở lại vào ngày 25/1 sau sự cố xảy ra vào ngày 22/1 vừa qua.

Theo đó, HOSE đã khắc phục xong sự cố và sẽ tổ chức giao dịch trở lại bình thường kể từ ngày 25/1/2018. Giá tham chiếu cho phiên giao dịch ngày 25/1/2018 là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày giao dịch 22/1/2018.

Trong trường hợp ngày giao dịch 22/01/2018 không có giá khớp lệnh, giá tham chiếu cho ngày giao dịch 25/01/2018 là giá đóng cửa của ngày giao dịch 19/01/2018.

Sự cố hy hữu tại HOSE xảy ra vào lúc 14 giờ 31 phút ngày 22/1 trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. Theo đó, hệ thống không thể khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. HOSE đã bị lỗi khiến hàng ngàn lệnh giao dịch trị giá hàng ngàn tỷ đồng bị kẹt lại.

Sự cố trên đã khiến HOSE phải ngừng giao dịch trong cả hai phiên 23 và 24/1.

{keywords}

Theo HOSE, mức độ ảnh hưởng của sự cố là tới tất cả các lệnh giao dịch tại đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa đối với toàn bộ các mã chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Trong khi đó, các giao dịch thỏa thuận không bị ảnh hưởng.

Ông Lê Hải Trà, Thành viên Hội đồng quản trị Phụ trách Hội đồng quản trị Sở GDCK TP.HCM cho biết, nguyên nhân của sự cố ngày 22/01/2018 vừa qua đối với hệ thống giao dịch của HOSE được xác định là từ phần mềm khớp lệnh. Các chuyên gia đã thực hiện việc phân tích và vá lỗi trong ngày 23/01.

Hôm 24/1, HOSE đã tổ chức 2 phiên kiểm thử giả lập với các công ty chứng khoán trên toàn thị trường dưới sự giám sát của các chuyên gia. Kết quả cho thấy hệ thống đã hoạt động bình thường và sẵn sàng để mở cửa thị trường trở lại. Hệ thống giao dịch của HOSE có khả năng dự phòng. Tuy nhiên, đối với sự cố phần mềm như thế này thì hệ thống dự phòng không có tác dụng, vì các máy chủ đều cài chung một phiên bản phần mềm ứng dụng như nhau (và đều bị lỗi như nhau).

Ông Lê Hải Trà cũng khẳng định hệ thống giao dịch hiện tại là một hệ thống tốt, có độ ổn định cao đã từng được sử dụng tại Sở GDCK Chicago và Sở GDCK Thái Lan trước khi về Việt Nam. Hệ thống được bảo trì đầy đủ và nhiều lần nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Trên thực tế, trong điều kiện sôi động của thị trường trong thời gian qua cũng như thời điểm xảy ra sự cố phần mềm vừa qua, số lượng lệnh mà hệ thống xử lý mới chỉ khoảng 25% năng lực của hệ thống.

Hạn chế của hệ thống hiện tại nằm ở tính linh hoạt và khả năng mở rộng hơn nữa trong tương lai. Chính vì vậy, HOSE đang là chủ đầu tư, cùng 2 đơn vị thụ hưởng là HNX và VSD, triển khai một dự án công nghệ thông tin hiện đại với nhà thầu là Sở GDCK Hàn Quốc (KRX) nhằm thay đổi hoàn toàn nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong tương lai. Dự án đã hoàn tất giai đoạn thiết kế, sắp đi vào triển khai vật lý và kiểm thử, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

Ông Hải cho biết, dù là sự kiện bất khả kháng, song việc phải đóng cửa thị trường và việc cực chẳng đã, chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của HOSE nói riêng và TTCK  Việt Nam nói chung. Sự cố vừa qua cho thấy công chúng đầu tư trên TTCK đã bản lĩnh hơn nhiều, không chỉ về tâm lý, hành vi đầu tư mà còn cả về khả năng ứng xử trong tình huống khủng hoảng.

Lãnh đạo UBCK cho rằng, đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc, nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố như thế này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải.

Trong ngày 23/01/2018, khi thị trường HOSE ngừng giao dịch thì chỉ số VN30 không có biến động. Do vậy, nhà đầu tư cần lưu ý và có tính toán cẩn trọng khi giao dịch các sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán phái sinh tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

TTCK thời gian gần đây có lượng giao dịch rất lớn, khoảng 10 ngàn tỷ đồng/ngay. Với mức phí giao dịch trung bình khoảng 0,2%/giá trị giao dịch, các công ty chứng khoán thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó, thuế cũng khoảng 10 tỷ đồng/ngày.

Với các nhà đầu tư, thiệt hại rõ nét nhất là khoản lãi trả cho các công ty chứng khoán/ngân hàng cho các khoản vay ký quỹ. Với lượng vốn vay ký quỹ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, thì mỗi ngày các nhà đầu tư cũng phải trả xung quanh ngưỡng 15 tỷ đồng/ngày.

Như vậy, chỉ tính 2 ngày qua và 1 phần trong phiên giao dịch chiều ngày 22/1, thiệt hại lên tới khoảng 100 tỷ đồng.

M. Hà