Ông Lâm Quang Tùng, Giám đốc VTVLive. |
Tại Hội thảo quốc tế Mạng xã hội và truyền hình vào sáng ngày 20/12/2018 tại Đà Lạt, ông Lâm Quang Tùng, Giám đốc VTVLive đã chia sẻ về mô hình truyền thông trong thế giới kết nối mà các đài truyền hình, các nhà sản xuất nội dung số cần quan tâm đến nếu muốn tăng lượng khán giả theo dõi các nội dung của mình.
Theo đó, số liệu mà Forbes công bố cho thấy, lượng dữ liệu mà người dùng tạo ra mỗi ngày khoảng 2,5 tỷ tỷ bytes. Trong hơn 2 năm vừa qua, người dùng đã tạo ra đến 90% lượng dữ liệu trên thế giới. Những mạng xã hội như Facebook hay YouTube không hề sản xuất bất cứ một nội dung nào, nhưng hàng ngày họ đang sở hữu một lượng nội dung rất lớn do người dùng mạng xã hội tạo ra.
Data Never Sleeps 5.0 cũng thống kê được rằng, mọi người liên tục tạo ra dữ liệu khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Có 527.760 bức ảnh được chia sẻ trên Snapchat mỗi phút. Hơn 120 người có công ăn việc làm tham gia LinkedIn. Mỗi phút có 4.146.600 video YouTube được xem, 456.000 tweet được gửi lên Twitter, 46.740 bức ảnh được đăng trên Instagram.
Mạng xã hội Facebook có 2 tỷ người hoạt động trên Facebook, mỗi giây có 5 tài khoản Facebook mới được tạo, hơn 300 triệu bức ảnh được tải lên mỗi ngày. Mỗi phút có 510.000 bình luận được đăng và 293.000 trạng thái được cập nhật
Instagram (thương hiệu nhánh của Facebook) có 600 triệu người dùng, trong đó có 400 triệu người hoạt động mỗi ngày. Mỗi ngày có 95 triệu hình ảnh và video được chia sẻ trên Instagram mỗi ngày100 triệu người dùng tính năng Stories của Instagram.
Việc ngày càng có nhiều người dành thời gian xem thông tin trên Facebook, YouTube đã tác động rất lớn tới ngành truyền hình. Trải nghiệm của người dùng đang thay đổi mạnh mẽ, con người không muốn xem và tiếp nhận thông tin một cách thụ động, mà họ còn muốn được chia sẻ thông tin mà họ có, tương tác với người khác, trao đổi quan điểm của họ về nguồn tin.
Trải nghiệm người dùng phân hóa, phân hóa trong yêu cầu về chất lượng nội dung, trải nghiệm người dùng và phương thức tiếp cận thông tin. Ví dụ để xem một chương trình thể thao chẳng hạn, trước đây người dùng thường băn khoăn chuyện nội dung đó được phát trên kênh nào, nay họ không quan tâm nội dung đó được phát kênh nào nữa mà người ta có thể dễ dàng tìm kiếm được các kênh khác để xem. Đối với những chương trình có bản quyền, ví dụ như ASIAD 2018 chẳng hạn, khi các đài truyền hình Việt Nam chưa có bản quyền thì người dân vẫn có cách tìm kiếm để xem từ các chương trình nước ngoài thông qua mạng Internet, mạng xã hội.
2 tỷ người dùng Facebook có hoạt động như là 2 tỷ “phóng viên” đưa tin, ví dụ với một vụ tai nạn giao thông nghiệm trọng, hay vụ hỏa hoạn cháy nhà, phóng viên chưa biết thông tin nhưng người dùng mạng xã hội đưa lên từ đó phóng viên biết để khai thác thông tin sâu hơn với nguồn tin ban đầu từ mạng xã hội.
Xu hướng hội tụ và tương tác tạo ra những thách thức lớn cho ngành truyền hình. |
Cũng theo ông Lâm Quang Tùng, kênh truyền thông cá nhân và mô hình truyền thông xã hội đang ngày càng quan trọng. Mỗi người có 2-3 tài khoản mạng xã hội, có những người có khả năng đưa tin, kể chuyện hay có nhiều người theo dõi và trở thành các kênh truyền thông cá nhân lớn, truyền thông cá nhân trở thành xu thế quan trọng. Tuy nhiên kênh truyền thông cá nhân có đặc thù là không có định hướng, do đó cần phải có những giải pháp để định hướng đúng cho những kênh truyền thông cá nhân này.
Với sự thay đổi mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội thì chuỗi giá trị của ngành truyền hình càng thay đổi, vai trò của truyền hình trong hệ sinh thái truyền thông càng thay đổi. Do đó, ngành truyền hình cần định vị lại chuỗi giá trị của truyền hình trong hệ sinh thái truyền thông.
Dịch vụ truyền hình cũng đang thay đổi, truyền hình hội tụ giữa viễn thông và Internet và mạng xã hội. Sự hội tụ đang rất rõ ràng khi người xem truyền hình trước xem nội dung thụ động, thì nay họ vừa xem vừa phải tra cứu thêm được thông tin trên đó nữa và theo dõi nhiều chương trình tương tác cùng lúc.
Sự hội tụ được tích hợp ở thiết bị đầu cuối, trước xem truyền hình phải có tivi, nay hội tụ một chiếc smart tivi có nhiều tính năng với nhiều dịch vụ được cung cấp qua Internet. Người dùng còn xem nội dung qua màn hình nhỏ hơn như điện thoại, iPad. Do đó, nhà đài phải xây dựng kịch bản tốt để khán giả có thể tương tác qua mọi phương tiện truyền dẫn, trên truyền hình, điện thoại hay trên mạng xã hội.
Môi trường truyền thông ngày càng thay đổi, trở lên đa chiều và đa hình thái và có sự tham gia của nhiều bên vào quá trình truyền thống. Với kênh truyền thông cá nhân khán giả không chỉ là khách hàng mà trở thành một khâu quan trọng trong quá trình truyền thông. Vai trò của nhà đài cần phải thay đổi từ người kể chuyện sang là người dẫn dắt.