Chiều ngày 13/9, Hội Toán học Việt Nam đã có văn bản gửi báo chí về ý kiến chính thức của Hội đối với phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017.
Theo văn bản này, ngày 12/9 ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam đã có buổi họp thảo luận về “Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017” của Bộ GD-ĐT.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự thống nhất sẽ có một băn bản góp ý về Dự thảo phương án thi nêu trên gửi Bộ GD-ĐT. Quy trình soạn thảo văn bản là: Thư ký cuộc họp ghi các ý kiến thảo luận và đi đến thống nhất, văn bản sẽ được xem là ý kiến chính thức của Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Theo ông Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội, thì hiện nay văn bản này đang trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chấp hành. Vì vậy, cho đến nay Hội Toán học Việt Nam chưa có ý kiến chính thức về “Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017” của Bộ GD-ĐT.
Trước đó, chiều ngày 12/9, Hội Toán học Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ báo chí. Tại đây, theo GS.TS Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam ,BCH Hội Toán học thống nhất 3 lý do phản đối hình thức thi trắc nghiệm với môn Toán và kiến nghị Bộ GD-ĐT giữ nguyên hình thức thi tự luận đối với môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Sáng 13/9, trao đổi với VietNamNet ở góc độ cá nhân, GS Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nhận định rằng, thi trắc nghiệm hay tự luận đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Không có phương thức nào ưu điểm hẳn cũng không có phương thức nào nhược điểm hẳn. Vì vậy, trên thế giới vẫn tồn tại song song 2 kiểu thi trắc nghiệm và tự luận chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, GS Dư cho rằng, điều cần thiết là khi lựa chọn phương thức nào thì cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, cần thiết về các mặt tổ chức như nội dung đề thi, phương pháp tổ chức, mục đích sử dụng kết quả, tâm lý của thí sinh và xã hội.
Bên cạnh đó, cần có sự tổng kết đánh giá kết quả của các kỳ thi trắc nghiệm đã tổ chức trước đó để có cơ sở quyết định đó có quyết định hình thức thi phù hợp của các kỳ thi trong tương lai.
"Ý kiến cá nhân tôi là với kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nếu được chuẩn bị tốt, kỹ càng thì đề thi trắc nghiệm là khá phù hợp" - GS Dư nói. Tuy nhiên, ông Dư cũng cho rằng, điều này vẫn cần được thảo luận rộng rãi và kỹ càng hơn.
- Lê Văn