- Chưa kịp giao ca, anh Hiệp đột ngột ngã khuỵ, bất tỉnh. Liên tiếp 37 ngày chạy đua với tử thần, đã có lúc ngỡ không còn cơ hội gặp lại vợ con.
Trong hơn 1 tháng ròng, các BS tại Viện Tim mạch quốc gia và khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai liên tục nín thở dõi theo từng nhịp đập của bệnh nhân Hoàng Văn Hiệp (31 tuổi, Ngọc Khê, Trùng Khánh, Cao Bằng), rồi vỡ oà khi thấy anh tỉnh lại.
Suốt hành trình ấy, anh công nhân nghèo đã nhận được sự yêu thương vô bờ không chỉ của đồng nghiệp, của làng xã mà cả những người không quen biết.
Dùng 6 kháng sinh/ngày
Sáng 18/5, anh Hiệp đến công ty gang thép Cao Bằng làm việc như mọi ngày. Sau bữa sáng, chưa kịp giao ca, anh đột ngột nôn dữ dội rồi bất ngờ ngã khuỵ, bất tỉnh.
Anh em công nhân vội đưa Hiệp lên phòng y tế của công ty trong tình trạng tím tái, lơ mơ, nôn nhiều rồi lập tức chuyển xuống BV tỉnh Cao Bằng cấp cứu. Cuộc chạy đua với tử thần bắt đầu từ những giờ đầu tiên.
Tại đây, bệnh nhân xuất hiện cơn rung thất, mất ý thức. Sau khi sốc điện 3 lần, nhịp tim trở lại nhưng không tỉnh, phổi có nhiều ran ẩm. Dù được cấp cứu theo phác đồ phù phổi cấp, song tình trạng không tiến triển. Đến 16h30 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển xuống C1, Viện tim mạch quốc gia.
Là người theo sát hành trình của em họ, BS Hoàng Thị Phú Bằng, Viện tim mạch cho biết, khi xuống Bạch Mai, anh Hiệp hôn mê hoàn toàn, glassgow 7 điểm (người bình thường 15 điểm). Các BS chẩn đoán bệnh nhân bị viêm cơ tim- sốc tim, cho thở nội khí quản, dùng thuốc vận mạch.
Vợ anh Hiệp chạy đi chạy lại chăm lo cho chồng những ngày ở viện |
Sau hội chẩn, anh Hiệp được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).
“Tuy nhiên từ tối cùng ngày và 3 ngày sau, diễn biến ngày một nặng thêm. Bệnh nhân có rối loạn đông máu, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Cơ hội cứu sống vô cùng mong manh”, BS Bằng nhớ lại.
Sáng ngày 19/5, một cuộc hội chẩn toàn viện bao gồm các chuyên khoa chống độc, truyền nhiễm, tiêu hoá, tim mạch, cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh... được thiết lập.
Sau hội chẩn, một phác đồ điều trị tích cực nhất được triển khai: Tiếp tục chạy ECMO, lọc máu liên tục hàng ngày, dùng kháng sinh liều cao để kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn.
Sang ngày thứ 5, tình trạng bắt đầu khá lên, bệnh nhân được cắt an thần, có dấu hiệu tỉnh trở lại. Tuy nhiên, các BS chưa kịp mừng thì 2 ngày sau, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng sốt li bì, chức năng tim không cải thiện, viêm phổi rất nặng.
BS Bằng cho biết, thời điểm đó có ngày anh Hiệp phải dùng cùng lúc 6 loại kháng sinh nhưng vẫn không đáp ứng. Sang tuần thứ 2, bệnh nhân vẫn sốt cao, hàng đêm khó thở, ho rất nhiều, phổi rất xấu.
Khi cấy máu, BS phát hiện phổi nhiễm nấm candidas. Theo phác đồ, bệnh nhân sẽ phải điều trị kháng nấm liên tiếp 14 ngày, liệu trình 7,5 triệu đồng/ngày, không được BHYT chi trả.
Cả xã góp sức
Hay tin về số tiền hơn 100 triệu điều trị kháng nấm, chị Lý Thị Biếc (vợ anh Hiệp) như muốn ngã khuỵ.
Suốt thời gian điều trị, chị Biếc đi lại như con thoi giữa Cao Bằng - Hà Nội, lần về bán 3 con trâu, mỗi con được 20 triệu đồng, riêng 2 con già quá không ai mua. Lần được mọi người mách, chị về làm thủ tục vay ngân hàng chính sách 50 triệu.
Trong khoảng thời gian 14 ngày đầu, dù chỉ phải đóng 20% cùng chi trả, nhưng riêng chi phí quả lọc, dịch lọc đã lên tới cả gần trăm triệu, chưa kể tiền thuốc, giờ lại thêm một khoản tiền lớn khiến chị không biết bám víu vào đâu. Số tiền họ hàng cho mượn cũng đã cạn.
BS Phú Bằng (ngoài cùng bên trái) chụp chung với vợ chồng anh Hiệp tại thác Bản Giốc, trên đường về quê |
Trước hoàn cảnh khó khăn, công ty của anh Hiệp đã ủng hộ mỗi người 1 ngày lương, được 42 triệu đồng. Ông chủ tịch xã khi hay tin cũng kêu gọi cả xã chung tay, mỗi gia đình góp 100 ngàn đồng, được hơn 20 triệu và trao tận tay chị Biếc. Một BS Khoa Hồi sức tích cực kêu gọi hỗ trợ thêm 50 triệu đồng. Các nhà hảo tâm qua phòng CTXH của BV ủng hộ hơn 80 triệu...
Những ngày ở viện, chị Biếc vừa ân cần bón từng thìa sữa cho chồng, vừa thủ thỉ: “Mày chịu khó ăn đi, BS chữa khỏi bệnh cho mày về làm còn trả nợ mọi người. Ai cũng thương mày lắm!”.
Như thấu được mong mỏi của bao người, anh Hiệp đáp ứng tốt với phác đồ chống nấm, các cơn sốt cắt dần và được ra viện sau 37 ngày điều trị với tổng chi phí hơn 350 triệu đồng.
Vui mừng khôn xiết, các BS khoa hồi sức tích cực thông báo: Kết quả chụp phổi, chức năng tim bình thường và đặc biệt ý thức phục hồi hoàn toàn, không có liệt vận động. Đó là thành công ngoạn mục ngoài mong đợi khiến tất cả đều vỡ oà vì hạnh phúc.
2 tháng hồi sinh của chàng trai thủng tạng, truyền 5 lít máu
Chàng trai 23 tuổi nhập viện trong tình trạng thủng tạng, sốc nhiễm trùng, nguy cơ tử vong rất cao.
Cảm động chuyện cứu sống cháu bé đã ngừng thở của bác sĩ trẻ
Trên mạng xã hội Facebook, câu chuyện cứu sống cháu bé đã ngừng tuần hoàn nghi do sặc sữa của bác sĩ trẻ viện Nhi Trung ương đã khiến rất nhiều người cảm động...
Chuyện cảm động của bà mẹ nghèo suy tim nặng
Dù bị suy tim rất nặng, động mạch chủ ngực giãn to nhưng bà mẹ nghèo vẫn tha thiết xin được giữ lại giọt máu của mình.
Ngừng tim đột ngột, người khỏe cũng có thể tử vong
Ở Singapore, mỗi năm có khoảng 1.000 người tử vong vì ngừng tim đột ngột, ở Mỹ là 400.000 người. BS.Jeremy Chow, Bệnh viện Gleneagles Singapore tư vấn các dấu hiệu triệu chứng và cách phòng ngừa ngừng tim đột ngột (SCA - Sudden Cardiac Arrest).
Thúy Hạnh