Việc kiểm nghiệm và xác nhận sản phẩm thiên nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Đi đôi với tác dụng hữu hiệu của các sản phẩm này, là cảnh báo với nhiều bức xúc trong xã hội về tính không an toàn và không đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Một trong các công cụ quản lý hữu hiệu, có tính chất toàn cầu là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, vẫn còn những hạn chế so với tốc độ phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, kỹ thuật.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên” do Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) tổ chức sáng 13/07 tại Hà Nội đã đưa ra các giải pháp kiểm soát, đảm bảo chất lượng các sản phẩm từ thiên nhiên thông qua các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
PGS.TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IDROP) cho biết: “Trong quá trình tham gia hoạt động đánh giá chất lượng sản phẩm, có thể nói Thử nghiệm/kiểm nghiệm là một công cụ hữu hiệu bởi tính độc lập, khách quan, chính xác thông qua phương tiện khoa học với quy trình thao tác chuẩn trên hệ thống thiết bị tiên tiến.”
Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) là tổ chức khoa học và công nghệ tư nhân, triển khai nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tham gia hoạt động trong lĩnh vực đánh giá chất lượng sản phẩm. IRDOP đã chuyển giao trên 30 sản phẩm phục vụ cộng đồng, tạo công ăn việc làm và mang lại lợi ích kinh tế, xã hội.
TS. Ngô Thị Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam nhấn mạnh: “Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, nâng cao sản xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam”.
Theo TS. Nguyễn Hữu Nghị - Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IDROP): “Các đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho các sản phẩm thiên nhiên, các hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng trong suốt quá trình sản xuất nguyên liệu đến công nghệ sản xuất sản phẩm tại nhà máy: hệ thống quản lý chất lượng GACP- WHO đang được áp dụng rộng rãi tại các vùng nguyên liệu để tạo ra các loại nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho quá trình sản xuất. Tại các nhà máy, hệ thống quản lý chất lượng GMP, GSP, GDP được quy định áp dụng với toàn bộ các cơ sở sản xuất sản phẩm dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Việc kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm phải được thực hiện tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP, ISO17025:2017.
Trong quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho các sản phẩm từ thiên nhiên, khoa học công nghệ trong chiết xuất, phân lập, xác định hàm lượng và đánh giá hoạt tính và độc học giữ vai trò then chốt. Khoa học trong việc phát triển các phương pháp kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm đạt được nhiều thành tựu nổi bật góp phần đánh giá, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thiên nhiên”.
Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận thông tin với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngọc Minh