Chỉ số ESG: “cây gậy” và “củ cà rốt”
Hiện nay, chỉ số phát triển bền vững (ESG) có tác động lớn đến doanh nghiệp, ảnh hưởng đến xếp hạng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có ESG tốt có khả năng tiếp cận được nhiều cơ hội hơn về: vốn, nhà đầu tư hay lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đều quan tâm đến việc thực hiện ESG và có những hoạt động ESG hiệu quả.
Bà Vandana Saxena Poria - chuyên gia về tư duy, nhà hoạt động xã hội, cố vấn cấp cao của ICAEW nhấn mạnh: “Bền vững là vấn đề tư duy, nhận thức và nếu chúng ta không thấm nhuần được điều này thì các thế hệ kế tiếp sẽ khó có được một tương lai tốt đẹp… Sự bền vững không chỉ là môi trường hay bảo vệ môi trường mà còn là việc làm bền vững, tăng trưởng kinh tế một cách bền vững".
Tại Việt Nam, bà Vandana Saxena Poria cho rằng, việc triển khai ESG là một thách thức lớn vì điều này còn khá mới mẻ. Đó cũng là thách thức chung với các doanh nghiệp Việt, tuy nhiên bài học từ các quốc gia khác đã cho thấy, những doanh nghiệp theo đuổi mô hình phát triển bền vững đã thực hiện khá tốt lĩnh vực này.
"Chúng ta có 2 cách tiếp cận về ESG. Cách thứ nhất, hãy coi ESG là động cơ để thực hiện, trong đó bao gồm các bước phát triển để đảm bảo tương lai cho thế hệ mai sau. Khi đó, ESG được coi như một “củ cà rốt”. Và cách thứ hai là coi ESG như một “cây gậy”, đến một thời điểm nào đó ESG sẽ được đưa vào trong các quy định bắt buộc phải thực hiện và khi đó dù muốn hay không chúng ta đều sẽ phải làm", nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Thực hiện ESG từ những hành động nhỏ nhất
Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Minh Lâm - Thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Uỷ ban Kiểm toán Tập đoàn Gelex cho biết: “Nếu tiếp cận về ESG, có thể thấy ESG không phải là “hot trend” mà là một chiến lược dài hạn, một chặng đường dài để phải thay đổi từ những việc nhỏ nhất. Những hành động nhỏ của mỗi người, của toàn thể CBNV Gelex hướng đến giúp xây dựng một môi trường tốt hơn, tạo ra một doanh nghiệp bền vững hơn, từ đó tạo ra một thế giới bền vững hơn”.
“Việc triển khai ESG đã được sự ủng hộ cao của tất cả thành viên HĐQT Tập đoàn Gelex. Đồng thời, Gelex dự kiến thành lập ủy ban ESG của tập đoàn để đưa ra các chiến lược, phương thức và lộ trình triển khai. Qua hội thảo này, Gelex mong được chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, để cán bộ nhân viên Gelex có thể hiểu sâu hơn về ESG”, ông Lâm chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, bà Vandana Saxena Poria cho rằng việc thực hiện ESG cần có sự tham gia của tất cả các cấp bậc nhân viên trong tổ chức. Tuy nhiên, mỗi cá nhân sẽ không phải đơn độc một mình trên hành trình này, mà sẽ có sự chung tay kết hợp giữa cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và Chính phủ.
Vị chuyên gia cũng khuyến nghị ban lãnh đạo Tập đoàn Gelex không nên coi ESG là một vấn đề riêng biệt hay tách bạch, mà nên gắn với toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. "Các bạn có thể bắt đầu từ những cách đơn giản nhất như đo lường về sức khỏe và đời sống cán bộ nhân viên mỗi tháng 1 lần, hoặc hãy quan tâm đến khối lượng phát thải công nghiệp là bao nhiêu để từ đó cân nhắc các biện pháp giảm lượng phác thải...", bà Vandana Saxena Poria bày tỏ.
Lệ Thanh