Bên cạnh Hội nghị Bộ trưởng [WU1] các nước thành viên ITU và Triển lãm Thế giới Số, hoạt động trọng tâm của sự kiện này sẽ là Hội thảo Chuyên đề (Forum Sessions) do ITU và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đồng chủ trì, bao gồm 3 phiên chuyên đề (mỗi ngày 1 phiên trong thời gian 90 phút, từ 19h30 – 21h00 hàng ngày).
Thu hẹp khoảng cách số
Chuyên đề 1 có chủ đề “Thu hẹp khoảng cách băng rộng: kích thích các khu vực công và tư nhân kết nối những vùng chưa được kết nối”. Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã khiến chúng ta nhận ra tầm quan trọng hơn bao giờ hết của công nghệ kỹ thuật số trong việc kết nối để phục vụ sức khỏe, công việc, giáo dục, thông tin và liên lạc tại những thời điểm đặc biệt căng thẳng và khó khăn. Covid-19 cũng đã cho thấy rõ sự tương phản giữa các xã hội và cá nhân được kết nối và không được kết nối.
Đối với nhiều người, khả năng kết nối tốc độ cao, các công cụ và kỹ năng số đã trở thành giải pháp thiết yếu, cho phép chúng ta tiếp tục làm việc, học tập và thậm chí còn giúp cuộc sống xã hội dễ dàng và thuận tiện hơn trước.
Nhưng đối với những người chưa thể tiếp cận, sử dụng hoặc chưa đủ khả năng hưởng lợi từ công nghệ số, tác động của đại dịch là rất lớn. Với khoảng cách số ngày càng rộng, các chính phủ và khu vực tư nhân, cùng với cộng đồng quốc tế cần làm thế nào để huy động các nguồn lực, đầu tư vào việc triển khai mạng, cung cấp các dịch vụ và ứng dụng nhằm thu hẹp khoảng cách số?
Hội thảo chuyên đề tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới Số 2020 |
Hội thảo chuyên đề số 1 với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý và giám đốc điều hành kỹ thuật của các hãng lớn sẽ cùng thảo luận để trả lời các câu hỏi: Chiến lược và chính sách tốt nhất để tiếp cận những người chưa được kết nối là gì? Chúng ta có cần mô hình kinh doanh mới, tập trung hơn không?; Công nghệ mới hoặc mới nổi có hiệu quả về chi phí nhất /hoặc phù hợp với mục đích là gì?; Làm thế nào để cắt giảm chi phí triển khai, vận hành và bảo trì mạng?; Làm thế nào để đảm bảo rằng các mạng mới bổ sung cho cơ sở hạ tầng hiện có?; Liệu đại dịch hiện tại có đủ tạo đòn bẩy để thúc đẩy nhu cầu, hay là cần các sáng kiến khác? Nếu vậy, phải tiến hành như thế nào, và ai chịu trách nhiệm?; Làm thế nào chúng ta có thể đào tạo các kỹ năng kỹ thuật số phù hợp và tạo ra nội dung phù hợp nhất để thúc đẩy nhận thức, nhu cầu và kiến thức kỹ thuật số?
Tiềm năng của kỷ nguyên 5G
Kỷ nguyên 5G, với tiềm năng chưa từng có trong việc tạo sức mạnh cho nền kinh tế số và chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp, doanh nghiệp và xã hội, đang trở thành hiện thực ở các thị trường và khu vực địa lý khác nhau.
Chuyên đề 2 với chủ đề “Bước vào kỷ nguyên 5G: Nhu cầu, triển khai và yêu cầu” sẽ thảo luận những vấn đề sau: Giá trị quan trọng của 5G là gì?; Những ứng dụng nào đang thúc đẩy nhu cầu và việc chấp thuận sử dụng hiện nay?; Ai sẽ là người dùng chính của mạng, dịch vụ và ứng dụng - hiện tại và tương lai?; Cách tiếp cận chính sách/quy định nào có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành và khuyến khích đầu tư?; Làm thế nào 5G được sử dụng để giải quyết các nhu cầu cơ bản, thay vì bị giới hạn trong tăng trưởng thương mại và công nghiệp?; Các nhà lãnh đạo ngành và các nhà hoạch định chính sách nên giải quyết những mối quan tâm mới trong các lĩnh vực như: phơi nhiễm điện từ trường, các vấn đề về quyền riêng tư và chi phí vận hành mạng 5G như thế nào?
Các diễn giả từ các nhà mạng tiên phong triển khai 5G như Korea Telecom, Viettel và các hãng cung cấp thiết bị hàng đầu như Qualcomm, Nokia cùng đại diện một số cơ quan quản lý sẽ cùng thảo luận để trả lời các câu hỏi nêu trên.
Bảo mật và quyền riêng tư
Chuyên đề 3 sẽ tập trung vào các giải pháp bảo mật và quyền riêng tư trên mạng: “Bảo vệ thế giới của chúng ta.” Khi thế giới số ngày càng được kết nối mở rộng, thì khả năng bị tấn công mạng cũng tăng lên ở cấp độ cá nhân, ngành công nghiệp và cả quốc gia. Các vi phạm về bảo mật, cho dù là cố tình khai thác hay ngẫu nhiên, có thể dẫn đến việc lạm dụng và sử dụng sai dữ liệu, có khả năng gây nguy hiểm về tài chính, sức khỏe và cuộc sống cá nhân của chúng ta. Điều này đặc biệt đúng khi đại dịch đã làm chuyển dịch rất nhiều hoạt động kinh doanh và xã hội của chúng ta sang hình thức trực tuyến.
Các vấn đề được thảo luận tại chuyên đề này sẽ tập trung vào: Các biện pháp “Làm sạch mạng” đơn giản có vai trò gì trong việc bảo vệ chúng ta khỏi các mối đe dọa trên mạng?; “Miễn dịch mạng” có khả thi không, và nếu có, nó có thể được thực hiện như thế nào?; Có thể sử dụng những công cụ nào khác để giảm thiểu rủi ro trong quá trình trải nghiệm trực tuyến?; Vai trò của chính phủ, khu vực tư nhân hoặc hệ thống giáo dục là gì?; Với tính chất quốc tế, không biên giới của các luồng dữ liệu, làm cách nào chúng ta có thể thiết kế và thực thi các quy định tốt nhất để bảo vệ người dùng cuối và dữ liệu doanh nghiệp?; Làm thế nào để sự hợp tác toàn cầu có thể dẫn đến việc áp dụng các biện pháp an ninh mạng hiệu quả?
Các diễn giả từ các hãng đứng đầu thế giới về an ninh mạng như Kaspersky, McAfee, Microsoft, Dell... và các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel, CISCO... cùng với người đứng đầu các cơ quan quản lý về An toàn thông tin sẽ cùng thảo luận các vấn đề nêu trên.
VietNamNet
Triển lãm Thế giới số 2020 sẽ khởi đầu chặng đường phát triển mới của ICT toàn cầu
Lần đầu mang tên gọi mới theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 (IDW 2020) còn phản ánh xu thế chuyển dịch lên không gian số khi là năm đầu được tổ chức online trên nền tảng công nghệ “Make in Vietnam”.