"Giám đốc điều hành Taro Shimada đang đi đúng hướng", Chủ tịch sắp mãn nhiệm cho biết, đề cập đến tầm nhìn của Shimada để biến gã khổng lồ công nghiệp Nhật Bản một thời trở thành một nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, Watanabe nhấn mạnh: "Phát triển các mảng kinh doanh kỹ thuật số và dữ liệu sẽ tốn rất nhiều tiền. Cần hợp tác với các công ty phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI), hoặc thậm chí thâu tóm, để đảm bảo cho sự chuyển đổi như vậy”.
Toshiba hiện thuộc sở hữu của một liên minh do công ty Japan Industrial Partners (JIP) dẫn đầu. Liên minh đã mua lại khoảng 79% cổ phần Toshiba trong cuộc đấu thầu diễn ra từ ngày 8/8 đến 20/9/2023. Ngày 22/11/2023, các cổ đông phê duyệt kế hoạch hợp nhất cổ phần của ban lãnh đạo để siết chặt cổ đông thiểu số, mở đường cho việc mua lại của JIP.
Shimada, cựu Giám đốc của Siemens, sẽ tiếp tục làm CEO, nhưng 6 trong số 10 giám đốc bên ngoài hiện tại rời khỏi hội đồng quản trị, bao gồm Chủ tịch Watanabe.
JIP đã bổ nhiệm bốn quan chức của riêng mình vào hội đồng quản trị của Toshiba, bao gồm Chủ tịch Hidemi Moue và hai từ các nhà đầu tư, một từ công ty cho thuê và đầu tư Orix và một từ công ty tiện ích Chubu Electric Power.
Watanabe, cựu binh với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn M&A, đã được đưa vào ban quản trị hồi tháng 6/2022 để giám sát việc Toshiba tìm kiếm "các lựa chọn thay thế chiến lược", bao gồm cả việc mua lại và quản lý cạnh tranh giữa các nhà thầu tiềm năng. Công việc của ông là tìm ra điểm chung giữa các cổ đông nước ngoài, những người muốn bán cổ phần của họ với giá cao nhất có thể và liên minh do JIP dẫn đầu, gồm khoảng 20 công ty Nhật Bản, những người muốn giữ giá thấp.
Trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, Watanabe, 64 tuổi, đã tư vấn cho một số thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Nhật Bản, cả bên mua và bên bán, trong đó có thương vụ Citigroup mua lại Nikko Cordial Securities năm 2007; một vụ sáp nhập dẫn đến việc thành lập gã khổng lồ dược phẩm Daiichi Sankyo vào năm 2005; Daiichi Sankyo bán nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ Ranbaxy Laboratories vào năm 2014.
Theo Watanabe, JIP dự kiến thúc đẩy Toshiba nhanh chóng phục hồi và niêm yết lại cổ phiếu. "Các quỹ đầu tư thường thoái vốn sau 3 đến 5 năm", ông chia sẻ. Dù vậy, ông kêu gọi các chủ sở hữu mới không vội vàng hành động. Thay vào đó, ông muốn họ cùng ngồi lại với CEO Shimada và quyết định hướng đi mới cùng nhau.
Ưu tiên hàng đầu đối với Toshiba là cải thiện lợi nhuận, để có thể tài trợ cho tham vọng kỹ thuật số và trả khoản nợ lớn khi liên minh mua lại cổ phần từ các cổ đông hiện hữu. Một số người ước tính nợ của Toshiba sẽ tăng hơn 1.000 tỷ yen (7 tỷ USD) như kết quả của thương vụ và chi phí lãi vay hằng năm tăng hàng trăm triệu USD. Toshiba đã bắt tay vào nỗ lực 4 năm nhằm cắt giảm 70 tỷ yen chi phí dưới sự lãnh đạo của CEO Shimada.
"Một khi công ty bắt đầu kiếm đủ tiền và trả lãi, họ sẽ trở nên đáng tin cậy và có thể bắt đầu vay với chi phí thấp", Watanabe nói. "Đó là rào cản đầu tiên cần vượt qua đối với Toshiba”.
Toshiba hy vọng hoạt động kinh doanh chất bán dẫn sẽ thúc đẩy phục hồi lợi nhuận trong thời gian tới vì họ có vẻ sẽ đạt được tỷ suất lợi nhuận 10% "sớm", CEO Shimada cho biết sau khi hoàn thành tư nhân hóa Toshiba.
Toshiba là nhà sản xuất chất bán dẫn năng lượng hàng đầu, được thiết kế đặc biệt cho các thiết bị công nghiệp như xe điện, robot công nghiệp, tàu hỏa và trạm tiện ích. Trả lời phóng viên, ông nói trong ngắn hạn, việc mở rộng doanh số chất bán dẫn năng lượng là “điều đầu tiên Toshiba nên làm”.
Trước đó, hôm 8/12, Toshiba thông báo bắt tay với nhà sản xuất chip Rohm để sản xuất chất bán dẫn năng lượng, nhằm đạt được quy mô lớn hơn và khả năng cạnh tranh tốt hơn với Infineon, công ty đầu ngành.
Toshiba là công ty hàng đầu trong sản xuất chất bán dẫn tại Nhật Bản và cũng tiên phong trong lĩnh vực bộ nhớ flash. Nhưng rắc rối tại các mảng kinh doanh khác - đặc biệt là khoản lỗ lớn tại công ty kỹ thuật hạt nhân Westinghouse Electric vào năm 2017 - đã đẩy tập đoàn rơi vào khủng hoảng tài chính.
Sự tham gia của các nhà đầu tư trong kế hoạch giải cứu tài chính đã dẫn đến các cuộc đụng độ liên tục giữa ban quản trị và cổ đông, khiến Toshiba tê liệt. Cuối cùng, vào tháng 3, Toshiba quyết định chấp nhận đề nghị mua lại từ liên minh do JIP dẫn đầu. Cổ phiếu Toshiba bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo ngày 20/12/2023.
Shimada cho biết sẽ “thắt lưng buộc bụng” bằng cách hợp nhất bốn đơn vị kinh doanh - năng lượng, cơ sở hạ tầng, giải pháp kỹ thuật số và thiết bị điện tử - và loại bỏ sự chồng chéo ở khối văn phòng.
Tháng 6/2022, ông từng đặt mục tiêu lợi nhuận 12% cho Toshiba trong năm tài khóa 2030. Toshiba báo lỗ trong nửa đầu năm tài khóa 2022 do sụt giảm trong ngành công nghệ nói chung, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn. Toshiba nắm 40,6% cổ phần nhà sản xuất flash memory Kioxia sau khi thoái vốn một phần năm 2018 để có tiền trang trải.
Việc mua lại đặt Toshiba vào tay một chủ sở hữu duy nhất và dự kiến sẽ ổn định quản lý ở một mức độ nhất định. Trước đây, ban lãnh đạo của Toshiba thường xuyên xung đột với các cổ đông nước ngoài về định hướng của công ty.
Theo ông Shimada, “vấn đề với Toshiba là họ không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào và tiến về phía trước". Các nhà đầu tư nước ngoài thiếu niềm tin vào ban quản trị và do đó không ủng hộ bất kỳ sáng kiến lớn nào. Việc ra quyết định dự kiến sẽ tăng tốc khi công ty chỉ còn một cổ đông duy nhất, ông nói.
Ông ủng hộ việc biến Toshiba, một nhà sản xuất thiết bị công nghiệp, thành một công ty dịch vụ kỹ thuật số, tận dụng thị phần cao trong các dự án cơ sở hạ tầng - nhà máy điện, tàu hỏa, thang máy, hệ thống điểm bán lẻ, hệ thống xử lý nước... Ông dự tính dữ liệu thời gian thực thu thập từ tất cả các mảng này sẽ mang đến cơ hội cung cấp dịch vụ bổ sung. Việc chuyển đổi mảng kinh doanh hạ tầng của Toshiba là mục tiêu trung hạn của ông.
“Một khi chúng tôi có thể kiếm tiền từ dữ liệu, lợi nhuận sẽ dễ dàng vượt qua 10%”, CEO Toshiba bày tỏ lạc quan.
Về mục tiêu dài hạn, ông nói Toshiba sẽ cung cấp các giải pháp về khí hậu. Ông lưu ý công ty đang nghiên cứu nhiều công nghệ để hỗ trợ chuyên dịch sang phát thải ròng bằng không. Chúng bao gồm các tấm pin mặt trời có thể uốn cong, dùng trên các bề mặt của tòa nhà, hệ thống thu giữ carbon để loại bỏ khí thải nhà máy, công nghệ đo lường khí thải công nghiệp và công nghệ năng lượng nguyên tử thế hệ mới.
Dù không phải tên tuổi nổi tiếng, JIP dần dần làm đầy hồ sơ với các thương vụ mua lại mảng kinh doanh từ các hãng công nghệ lớn như bộ phận laptop của Sony, bộ phận máy ảnh của Olympus. Tuy nhiên, Toshiba lại là một tập đoàn có quy mô và phức tạp hơn nhiều so với bất kỳ thương vụ nào trước đó của JIP. Rủi ro cũng cao hơn khi Toshiba đang tuyển dụng khoảng 106.000 nhân sự.
Việc JIP có thể hồi sinh Toshiba hay không còn là một câu hỏi mở, xét đến những tổn hại sau một thập kỷ bê bối để lại. Thay vì tái niêm yết, một số chuyên gia trong ngành cho rằng việc chia tách và bán tài sản là giải pháp phù hợp hơn cho tập đoàn.
“Một vụ IPO sẽ rất khó nếu không có câu chuyện tăng trưởng nào hấp dẫn, liên quan đến mở rộng trên toàn cầu”, Damian Thong, Giám đốc nghiên cứu tại Nhật Bản của hãng chứng khoán Macquarie nhận xét.
Trong các vụ giao dịch trước, JIP hợp tác với một số hãng như công ty đầu tư tư nhân KKR, Bain Capital của Mỹ. Lần này, họ phải chịu trách nhiệm dẫn dắt và cần phải xử lý hàng chục công ty, ngân hàng như Rohm, Orix, Chubu Electric Power.
Thành lập năm 2002 nhờ vốn đầu tư từ tập đoàn tài chính Mizuho và Bain & Co,… JIP sau đó hoạt động độc lập. CEO Hidemi Moue từng làm việc tại Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản. Công ty của ông hiếm khi trả lời phỏng vấn. Theo Reuters, họ xem vai trò của mình là giúp hồi sinh các doanh nghiệp Nhật Bản mà không thu hút sự chú ý.
Trong một bài thuyết trình ở hội thảo năm 2017 ở Tokyo, ông Moue nói: “Tôi là người làm việc lặng lẽ ở hậu trường, vì vậy tôi không quen phát biểu tại những sự kiện như thế này”. JIP hợp tác chặt chẽ với ban quản trị để vực dậy các doanh nghiệp, quy trình có thể mất đến hàng thập kỷ trong một số trường hợp, ông nói với khán giả. Họ cũng cẩn trọng để không bị xem là “kền kền”.
JIP rất chặt chẽ về phần chi phí, bao gồm cả chi phí của mình, để tránh tăng chi phí và gánh nặng cho các doanh nghiệp đang muốn hồi phục. Nguồn tin của Reuters tiết lộ, ngay cả lãnh đạo cao cấp của JIP cũng bay vé phổ thông khi đi công tác nước ngoài. Họ cũng bỏ tiền túi khi ăn tối với sếp của các hãng được đầu tư. Một cựu nhân viên cho biết, khác với các doanh nghiệp khác, JIP không tuyển dụng cố vấn bên ngoài khi xử lý việc tái cấu trúc, nghiên cứu hay khảo sát mà thường tự làm.
JIP đã đầu tư hơn 600 tỷ yen (4,2 tỷ USD) cho hơn 30 thương vụ. Không rõ họ bỏ ra bao nhiêu trong việc mua lại Toshiba.
Sau khi thâu tóm bộ phận laptop Vaio của Sony năm 2014, JIP tập trung vào khách hàng doanh nghiệp – bao gồm Mitsubishi và Mizuho Securities – và nay chiếm khoảng 80% doanh số. Các đơn hàng quy mô lớn giúp Vaio lập kỷ lục doanh thu 35,8 tỷ yen trong thời gian một năm (kết thúc vào tháng 5/2023). Hai CEO gần nhất của Vaio đều là người của JIP.
Thành công của Toshiba còn phụ thuộc vào việc liệu đội ngũ quản lý có rút khỏi các mảng kinh doanh lợi nhuận thấp và tìm ra cách kiếm tiền từ công nghệ hiện đại hay không. Câu hỏi lớn ở đây là họ có tầm nhìn và tài sản để làm điều đó không.
Thiết kế: Hồng Anh