Hàng ngày, tôi cũng nhìn thấy những dãy nhà lụp xụp kéo dài khuất tầm mắt, lan từ ven kênh đến sát phía sau những biệt thự cao ốc sang trọng là mặt tiền của con đường rực rỡ đèn màu cửa kính... Rồi cứ đi dọc ven kênh sẽ qua nhiều con đường khác: Hai Bà Trưng với cầu Kiệu, Trương Minh Giảng (sau này là Nguyễn Văn Trỗi) với cây cầu cùng tên...

Xóm ven kênh hình như không bao giờ thấy bình minh, ban ngày ánh sáng vẫn nhờ nhờ. Còn khi chiều đến, bóng tối, không thèm đợi hoàng hôn, sụp xuống rất nhanh.

Dòng nước đen đậm đặc mùi xú uế lưu cữu hàng chục năm làm cho bất cứ ai mới bước chân đến đây đều có thể "chết ngạt". Nhưng người sống ở đó thì chịu đựng quen đến mức dường như không biết là có nơi nào khác không khí dễ thở hơn...

Ngày nắng, mái tôn vách ván phơi mình cong vênh ngày mưa dãy cọc nhà sàn liêu xiêu chìm trong nước... Bờ kênh tràn rác, muỗi dày đặc, chuột chạy như chốn không người...

Đó là hình ảnh nơi cư ngụ của hàng ngàn gia đình, trôi dạt về đây sinh sống từ bao nhiêu nơi, trong bao nhiêu năm qua. Sài Gòn - Chợ Lớn không thiếu những dòng kênh đen và những xóm ven kênh như vậy.

Hình ảnh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã tồn tại như thế trong mắt tôi ngót nghét ba thập kỷ, cho tới khi xảy ra một sự kiện quan trọng vào năm 2003.

Trước tình trạng ô nhiễm nặng của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến kênh dài hơn 13 cây số, chính quyền thành phố đã quyết định đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện việc cải tạo, nâng cấp với mong muốn thành phố sẽ có một dòng kênh xanh-sạch-đẹp.

Dự án này cũng nằm trong mục tiêu thứ hai là giảm thiểu tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, và điều hòa khí hậu trên địa bàn một Sài Gòn, nay đã mở rộng thành một tỉnh thành với cái tên Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là lý do vì sao người ta luôn thấy ngổn ngang lô cốt khắp những con đường lớn nhỏ của thành phố.

Tuy cảm thấy bất tiện, thậm chí khó chịu, nhưng người dân thành phố, trong đó có hàng ngàn cư dân xóm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vẫn đón nhận chuyện này với sự hào hứng. Có điều, sự hào hứng đó kéo dài không lâu.

Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau cú "đề pa" đầy hào sảng, như tiếng phát ra từ ống "pô" những chiếc Vespa cổ, trong mấy năm sau cứ lịm dần, rồi tịt hẳn.

Chuyện xôn xao bắt đầu từ việc giải tỏa những xóm nhà sàn ở trên và hai bên dòng kênh đen ngòm dày đặc rác. Những ngôi nhà mái tôn vách bằng lá dừa, hay bằng thùng giấy, hoặc bằng bất cứ gì có thể che chắn được, đã dần dần được giải tỏa. Rồi những chiếc máy xúc, cần cẩu xuất hiện, một vệt ngổn ngang nào xà bần, nào bùn rác...

Con đường đã thành hình ở hai bên bờ kênh. Dãy nhà mới nhô ra ở bên từng con đường lúc đầu cũng nhếch nhác không kém những ngôi nhà vừa bị ủi đi. Nhưng, như một phép màu, chúng được sửa sang, hay xây mới rất nhanh, bởi có nhà "mặt tiền" là sẽ kiếm ra tiền thôi mà.

Vẫn còn nhếch nhác, ngổn ngang, vẫn mùi xú uế, nhất là khi nước ròng. Nhưng hở ra đoạn đường nào là hàng quán mọc ra đến đấy. Quán cà phê, quán nhậu. Quán nhà lầu, quán lá dựng tạm ven kênh. Có quán chỉ là vài bộ bàn ghế, kiểu quán "cóc" ngoài Hà Nội, có quán lại rộng rãi, khang trang, với máy lạnh, đèn màu sáng trưng...

Nếu như vào năm 2003 ước chỉ có vài chục quán, thì nay đã có hàng ngàn quán, mọc lên như nấm mùa mưa. Và người ở đâu lại đổ đến đây tấp nập mỗi chiều...

Dân nhậu đất Sài Thành bắt đầu quen với thuật ngữ quán bờ kè, vừa là địa chỉ chung cho một khu ăn nhậu bình dân mới hình thành, vừa thể hiện đầy đủ những đặc trưng của "Sài Gòn nhậu": mồi ngon, phong phú, lại khá rẻ; nhiều loại bia rượu từ bình dân đến cao cấp; chỗ ngồi thoải mái, muốn máy lạnh, hay muốn hưởng gió trời, đều có cả; chủ quán và phục vụ nhiệt tình, có người giữ xe máy không mất tiền lại còn cẩn thận dẫn xe giùm khi có ai lỡ xỉn quá.

Nhiều quán còn có các em gái tiếp viên mùa nào cũng áo thun hai dây ôm sát cái eo thon và quần ngắn khoe cặp chân dài. Rồi các em tiếp thị bia, thuốc lá, hay các cụ già và em nhỏ bán vé số mang đến tận bàn. Thỉnh thoảng có mấy anh chàng "múa lửa", hay bán kẹo kéo, cùng dàn loa khủng oang oang nhạc sến, à quên, bolero...

Thôi thì ở đâu "chơi" kiểu nào thì quán bờ kè cũng xin "chơi" kiểu đó.

Với tất cả sự khiêm tốn của... "những người luôn tự nhận mình là khiêm tốn", tôi vẫn phải công nhận rằng, tôi và bạn bè đã thường xuyên góp phần vào sự tấp nập nơi bờ kè. Mỗi chiều, đến giờ tan sở, cứ nghĩ đến đường về nhà phải trải qua vài đoạn kẹt xe hàng giờ vì lô cốt, hình như ai cũng ngán ngại... Vậy là nhắn nhau "ra bờ kè nhé". Chẳng cần nói tên quán, vì nhóm nào cũng có một, hai "quán ruột" của mình.

Quán "Ốc núi" của bọn tôi nằm ở một đoạn đường khuất, trước quán có hàng điệp mới trồng cao hơn đầu người, nhưng đã trổ bông vàng, và dòng kênh uốn mình, hẹp lại, hiện ra gọn gàng giữa hai bờ mới kè lại đều tăm tắp. Nhiều năm qua, quán này đã vài lần đổi chủ, nhưng không đổi khách.

"Băng" tụi tôi thích quán này vì... nó vắng, đã thế đồ ăn khá vừa miệng, lại rẻ nữa. Ngồi đây tha hồ chuyện trên trời dưới đất, không có tiếng "dzô - dzô" ồn ào xung quanh, lại có thể chỉ ngồi im lặng, lơ đãng ngó đường, ngó kênh, ngắm nhìn hoàng hôn chầm chậm mỗi chiều...

Lý do này thiệt là vô duyên, hổng chừng chủ quán mà nghe thì đuổi cả đám, vì ai mở quán mà mong vắng khách, phải hôn? Quán vắng, có lẽ, vì nó nằm gần như tách biệt khỏi khu vực tấp nập đằng kia, tôi tự lý giải.

Mỗi lần ghé quán là một lần thấy sự thay đổi của dòng kênh, của những ngôi nhà hai bên, và của cả con người ở đây.

 

***

Nhìn trên bản đồ cổ xưa của Sài Gòn - Bến Nghé, ta thấy Nhiêu Lộc -  Thị Nghè từng là con rạch/sông đóng vai trò quan trọng trong tưới tiêu, và là tuyến giao thông xuyên suốt qua những khu vực trung tâm của thành phố.

Gia Định Thành Thông Chí (Trịnh Hoài Đức, 1820) đã miêu tả về con sông này như sau: "Sông Bình Trị, tục gọi sông Bà Nghè, ở địa phận tổng Bình Trị về phía bắc trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ bốn dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (nay là cầu Bông), chảy về tây bắc độ hai dặm đến chợ Chiểu (chợ Bà Chiểu nay), chảy về phía nam độ bốn dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi đến cầu Huệ là cùng nguyên, nơi đây có những ao vũng tản mạn".

Là một trong ba tuyến sông tự nhiên cổ nhất (cùng với sông Sài Gòn và sông Bến Nghé), rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè và lưu vực của nó hiện nay là một vùng khá rộng ăn sâu vào lòng thành phố với nhiều chi lưu và đi qua các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, và Gò Vấp.

Từ khoảng giữa thế kỷ 20, rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè mất dần chức năng lưu thông, chỉ còn chức năng tưới tiêu cho vùng nông nghiệp vườn ở các quận ven. Dân cư ven kênh rạch phần lớn còn là nông dân. Ký ức của nhiều người lớn tuổi còn nhớ, lúc đó những con sông, rạch trong thành phố chưa ô nhiễm nặng, ngày vẫn hai lần nước lớn nước ròng, nước còn trong, trẻ con còn bơi lội trên sông.

Chiến tranh. Dân nhập cư đổ về thành phố ngày càng nhiều, người nghèo lập nên những xóm ven kênh lan dần từ ngoại ô vào trung tâm, nhà cửa ngày càng chen chúc trên bờ, chồm ra kênh rạch. Chất thải, rác rưởi tù đọng dưới sàn nhà, lấp dần kênh rạch, khiến nước không còn lưu thông được nữa. Mỗi ngày, khi thấy có chút gió mát thì biết lúc nước lớn, thấy đứng gió nực nội là biết nước ròng.

Nhưng rồi cũng đến lúc Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè "tăng tốc". Gần một năm nay, dòng kênh nước đã sạch hơn mỗi ngày, và gần như không còn tình trạng vứt rác xuống kênh. Nhất là từ khi hai bên bờ đã được dựng hàng rào sắt, vỉa hè lát gạch sạch sẽ, trồng cây, trồng hoa, hàng đèn đường vươn cao thanh thoát... Những chung cư cao tầng mọc lên, dân cư sống tại đây đã quen với việc giữ gìn vệ sinh công cộng, giữ gìn cảnh quan chung. Ngay những quán nhậu bờ kè ngày nào còn thoải mái xả rác ra đường thì nay cũng đã biết tự kiềm chế rất nhiều.

Thế mới biết việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị đâu chỉ cứ hô hào suông, hay trông chờ vào sự chuyển biến của ý thức cư dân. Bởi vì khi điều kiện sống chưa thay đổi, khó có thể hình thành lối sống mới.

Nếu coi môi trường sống là biểu hiện của "văn hóa vật chất", còn lối sống nếp sống của cư dân là "văn hóa tinh thần", thì hai mặt này luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là tiền đề cho nhau tự hoàn thiện. "Phố của người - người của phố" là một mệnh đề của xã hội học đô thị hiện đại.

Ngồi trong quán vắng bên bờ kè, chúng tôi lại mơ, rằng mai này kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại trở thành sông, cùng với sông Bến Nghé - Tàu Hũ ven đại lộ Đông Tây cũng vừa được nạo vét, sẽ phục hồi cảnh quan "trên bến dưới thuyền" cho du lịch thành phố, phục hồi văn hóa sông nước đặc trưng của xứ Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sống giữa thị thành hôm nay vẫn cần lắm những giấc mơ - những giấc mơ về ngày xưa sẽ trở lại trong hiện thực tốt đẹp hơn của ngày mai...

Nguyễn Thị Hậu