Hồi sinh giống chó Lài bản địa quý hiếm sau nhiều năm thất lạc
Với sở thích sưu tầm các giống chó bản địa, nhiều năm trở lại đây, anh Trần Tuấn Anh (SN 1985 ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đã luôn tìm kiếm thông tin, nguồn gốc và tập tính của từng giống chó bản địa của Việt Nam.
Đến một ngày, anh Tuấn Anh nhận ra rằng mình đã có tình yêu đặc biệt với giống chó Lài quý hiếm từ khi nào không hay. "Chó Lài là một giống chó có giác quan phát triển hơn chó bình thường, có sự kết nối với chủ rất cao, từ sự kết nối ấy sẽ sinh ra lòng trung thành phục vụ chủ nhân. Chúng là người bạn đồng hành không bao giờ bỏ rơi chủ, tính cách hơi trầm. Chó đạt ngưỡng trưởng thành về hình thể và định hình tính cách khi chúng 3 tuổi", anh Tuấn Anh chia sẻ.
"Theo truyền thuyết, vào thời cổ xưa, chó Lài được những chiến binh Đại Việt rất tôn thờ. Và thực tế, công tác khảo cổ đã từng phát hiện ra nhiều mộ cổ được táng cùng chó ở Đa Bút, Vĩnh lộc, Thanh Hóa. Trong đó, có nhiều kiểu dao găm, rìu chiến loại ngắn, lược, ca uống nước, vòng giáp tay, họa tiết mặt trống đồng… được đúc hoặc điêu khắc hình chó Lài", anh Tuấn Anh chia sẻ về những hiểu biết của mình.
Cũng theo anh Tuấn Anh, chó Lài cũng là giống chó có nhiều tượng thờ, được xem là biểu tượng của lòng trung thành, mang lại may mắn và an vui, chiến thắng, thành công cho gia chủ nuôi hoặc người trưng tượng.
Trọng lượng chó cái khi dậy thì khoảng 15kg và đực là 18-20kg, chó cái sẽ đạt trọng lượng khi sinh sản xong lứa đầu khoảng 17-18kg và ít khi thay đổi trọng lượng. Chó đực trên 1 năm tuổi khoảng 20-26kg. Chân cao khẳng khiu.
Đặc điểm điển hình của giống chó Lài là có khuôn mặt tam giác - dài về phía mũi và quan sát chính diện khuôn mặt hoặc góc cạnh, góc nghiêng đều là hình tam giác.
Đôi tai giống chó Lài hình lưỡi mác dài cao trên một khuôn mặt thanh tú tạo nên một sự ấn tượng nhất định.
Với tâm huyết và niềm đam mê cháy bỏng, nuôi chó Lài để bảo vệ một nguồn gen động vật quý hiếm của dân tộc, anh Tuấn hi vọng trong tương lai không xa, giống chó này sẽ đón nhận được tình yêu từ cộng đồng nuôi chó bản địa Việt Nam.
(Theo Dân Trí)