Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế đi đôi với bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - Thủ tướng nói.
Sau 5 năm gia nhập WTO, cũng là 5 năm
thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP, Việt Nam đang
chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ở mức độ cao và sâu sắc
hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi
với đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá việc thực hiện 2 nghị quyết sáng 14/8,
theo đánh giá của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng,
về cơ bản Việt Nam đã hình thành được một hệ thống pháp luật tương đối
đầy đủ, đồng bộ và tương thích với quy định của WTO, tạo ra môi trường
kinh doanh ngày càng bình đẳng, minh bạch và dễ dự đoán hơn. Việt Nam đã
bước đầu tận dụng được cơ hội do việc gia nhập WTO đem lại để khai
thác, huy động được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát
triển, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, lao động, đầu tư ra nước
ngoài.
Trái với một số lo ngại trước đây, nhiều ngành kinh tế (viễn thông, dịch
vụ tài chính, dịch vụ phân phối, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp…) đã
đứng vững trong cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa với bên ngoài theo cam
kết gia nhập WTO, thậm chí có ngành đã phát triển vượt bậc, đủ tầm vươn
ra thế giới.
Tham luận của Văn phòng Trung ương Đảng chỉ rõ, sau 5 năm gia nhập WTO,
GDP đã tăng gấp gần 2,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng hơn hai lần.
Tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua đạt khoảng 7%/năm, kim ngạch xuất
khẩu tăng lên hơn ba lần, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng không ngừng tăng với nhiều dự
án lớn. Báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam thuộc nhóm
15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng
nói, bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình phát triển của đất
nước trong giai đoạn đầu sau khi gia nhập WTO cũng đã bộc lộ một số hạn
chế, yếu kém cần phấn đấu khắc phục trong thời gian tới để đưa đất nước
tiến vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn không chỉ “đối phó” tốt với
thách thức từ bên ngoài mà còn chủ động vươn ra thị trường thế giới.
Những hạn chế yếu kém nổi lên là thể chế kinh tế thị trường theo định
hướng
XHCN vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng. Sức cạnh
tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam vẫn yếu so
với các nước, kể cả nhiều nước trong khu vực. Cơ cấu kinh tế và chất
lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản…
Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 2011-2020, cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công
cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững ổn định chính trị xã hội, xây
dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập
quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế đi đôi
với bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu đến
năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện
đại, tạo nền tảng vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp
theo.
Về hội nhập quốc tế, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng như Báo cáo Chính trị của
BCH Trung ương trình Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu rõ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc
tế”.
Hội nhập kinh tế quốc tế phải nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác song phương, khu vực và đa phương; tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới thực sự mang lại lợi ích quốc gia. Kết hợp chặt chẽ hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng.
Theo TTXVN