- Thử tưởng tượng sau khi nghe câu "kính thưa giáo sư, tiến sĩ ABC, bộ trưởng bộ XYZ", người được kính thưa dừng lại để đính chính.
Tục ngữ: Trốn trời không khỏi nắng
Điều đã thống nhất: Việt Nam cần hội nhập quốc tế - mà hội nhập toàn diện - vì thế giới ngày càng "phẳng" ra. Không ai có thể trốn khỏi cái vòm trời này, nhưng thái độ người "ưa nắng" vẫn khác người "sợ nắng" khi hội nhập.
Cùng theo đuổi lý tưởng cao đẹp, nhưng người lãng mạn thì hi vọng hội nhập sẽ nhanh tiến tới "thế giới đại đồng", còn người thực tiễn lại lo thiệt thòi bản thân.
Nhưng thực tế nhãn tiền: Hội nhập muộn, càng thua thiệt, lạc lõng.
Hội nhập tưởng dễ, mà khó
Cứ xem một việc không lớn: Đó là hội nhập khái niệm "giáo sư". Khá chật vật.
Rào cản "tự ta" là tính hiếu danh. Còn cái khó từ bên ngoài: Muốn hội nhập phải có những điều kiện mà thế giới đòi hỏi, nhưng chúng ta chưa chuẩn bị. Ví dụ, những chật vật khi đàm phán để xin vào WTO.
Một nguyên nhân là từ khi quốc hiệu VN được gắn thêm tính từ XHCN, ta rất sợ "chệch hướng". Không bàn những "hướng" to tát, khó ai hình dung nổi, thì trước mắt, chuyện nỗ lực hội nhập là đúng hướng. Việc trước tiên là công nhận các khái niệm, các định nghĩa liên quan, đã được thừa nhận chung.
Bởi vậy, có thể nói một lần cho mãi mãi: Hội nhập, trước hết là hội nhập về mọi khái niệm, mọi định nghĩa: Đó là đúng hướng. Khư khư những quan niệm dị biệt: Chính là chệch hướng.
Chuyện GS hay TS cũng vậy
Trước hết, cần thay đổi quan niệm. Hiện nay, khái niệm "giáo sư" của ta còn khác với khái niệm chung, từ đó dẫn tới cách bổ nhiệm cũng khác. Điều này còn đáng lo hơn là mối lo mặt bằng chất lượng GS của ta còn thấp. Tư duy xã hội còn nặng căn tiểu nông (háo danh, chuộng hư danh) cũng là lực cản. Chớ nghĩ rằng hễ có học vấn cao đã thoát. Một thầy giáo cử nhân khi đã trở thành quan chức (ví dụ, vụ trưởng), sau đó liên tục thăng quan, nhưng vẫn loay hoay kiếm cái bằng TS, cái danh PGS. Thậm chí được ban cái tước NGND vẫn khoái. Chẳng đầu óc tiểu nông thì là gì?
Hai khái niệm rất xa nhau bị các cụ ta gộp làm một
- Cách nay trăm năm, các cụ ta cứ hồn nhiên đem một khái niệm có sẵn (đã định hình từ đời Lý) - là tiến sĩ - gán cho một khái niệm không liên quan, được du nhập từ phương Tây - là docteur (doctor). Dịch doctor thành tiến sĩ, có lẽ các cụ không lường được sự di hại tới hôm nay. Chả là, khi chế độ phong kiến đã vững chắc, việc tuyển chọn quan lại cũng phải quy củ. Đó là phải thi tuyển nghiêm ngặt chứ không thể coi hoàng tộc hay con cháu công thần là "cán bộ nguồn" để lập "quy hoạch". Các kỳ thi Nho học chỉ có một mục đích: Đó là tuyển chọn quan lại. Phải là tiến sĩ, mới chính danh làm quan ở triều đình. Đây không phải chỗ để chứng minh rằng nội dung thi cử ngày xưa không phù phiếm (nếu đối chiếu với nhiệm vụ làm quan).
- Còn doctor được đào tạo chỉ để nghiên cứu. Mục tiêu này không dính dáng gì tới chuyện làm quan (nay là công chức hành chính). Nếu (phúc đức) ngày xưa các cụ dịch chính xác hơn (chẳng hạn, doctor là nghiên cứu viên) nay sẽ đỡ "loạn". Một biểu hiện "loạn" dễ thấy là nhan nhản TS trong ngạch công chức.
Chuyện bịa như thật về đầu óc tiểu nông háo danh
Trong những hội nghị lớn, chúng ta thường nghe một câu quen tai: Kính thưa giáo sư, tiến sĩ ABC, bộ trưởng bộ XYZ... Có hai cái "nếu":
1) Nếu người "kính thưa" và người "được kính thưa" đều không cần ngượng...
Rất dễ hình dung ra: Giữa hội nghị, đang chễm chệ một vị thượng thư, đầu đội mũ cánh chuồn - từ cõi xưa hiện về.
2) Nếu vị thượng thư ngắt lời cái ông đang "kính thưa", để lớn tiếng cải chính:
a) Tôi có nghiên cứu quái gì đâu, xin đừng đem "tiến sĩ" ra bêu tôi ở đây;
b) Tôi đâu có 2 đầu 4 chân, mà kiêm được cả GS lẫn bộ trưởng? Xin đừng chửi khéo tôi... Thế thì, vị thượng thư lại thành ngay ông bộ trưởng.
Thay đổi quan niệm về giáo sư
Một người từ trên trời rơi xuống muốn tìm hiểu Việt Nam quan niệm thế nào về giáo sư, chỉ cần đọc các văn bản quy định, cũng đủ hiểu. Đúng vậy - theo luật hiện hành: Chỉ hội đồng cấp Nhà Nước (vài chục vị) mới đủ thẩm quyền phong chọn GS; mà là chọn GS cho... mọi ngành, cho cả nước. Còn tiêu chuẩn? Hàng đầu là đạo đức, lòng trung thành (ai đo nổi?), sau đó là thành tích về nghiên cứu, đào tạo "thuộc cỡ toàn ngành". Đủ thấy, GS ở VN là một danh hiệu cao về học thuật; đồng thời là tước hiệu lớn để tôn vinh. Cũng thấy ngay: Nó giá trị trong cả nước và gắn với đương sự suốt đời. Chẳng ngồi dự, cũng biết: Buổi lễ trao danh hiệu phải long trọng, lắm nghi thức. Cũng dễ suy đoán: GS chỉ mất danh hiệu khi phạm đạo đức và lòng trung thành. Nếu còn tuổi làm việc, dù vị GS có bỏ nghiên cứu và thôi đào tạo (thực chất là bỏ nghề), vẫn "đến hạn lại tăng lương"...
Những gì nói trên đều suy ra từ luật hiện hành, bắt nguồn từ sự tập trung hóa quyền lực, bao biện và ban phát ân huệ. Nếu trường đại học (dù là đại học quốc gia) muốn có quyền bổ nhiệm GS, cần phải tác động để thay đổi luật. Cách trước nhất, hiệu quả nhất, bền vững nhất, là làm thay đổi khái niệm, dẫn đến thay đổi định nghĩa.
Coi giáo sư là một chức vụ cụ thể của một trường đại học cụ thể
Nếu vậy, giáo sư do hiệu trưởng trực tiếp bổ nhiệm và quyết định mức lương. Khái niệm này mới, chưa từng có ở Việt Nam, nhưng không mới với quốc tế.
Đơn giản, đại học có lớn, có nhỏ; nhưng đã là đại học thì phải đào tạo, giảng dạy. Thầy giáo đại học phải được xếp hạng (để giao việc, đồng thời khuyến khích nỗ lực cá nhân, liên quan tới đãi ngộ); trong đó cao nhất là giáo sư - đủ vinh dự trong trường. Vấn đề là chấp nhận định nghĩa GS theo thực tế chung hiện nay. Đương nhiên, có những GS mà danh tiếng lan cả nước và quốc tế.
Danh tiếng này do chính GS làm nên, được sự đánh giá và công nhận của những người cùng chuyên ngành, kể cả ngành rất hẹp, rất sâu. Hội Đồng QuốcGia nào làm nổi chuyện này (?), nhưng Việt Nam cứ cố làm. Rồi liệu có làm nổi?
Chuyện cũ liên quan
- Chuyện ở Pháp. Xửa xưa, GS do đích thân tổng thống bổ nhiệm. Vinh dự còn kinh hơn GS Việt Nam hiện nay. Nhưng có làm nổi, một khi số GS tăng tới mức tổng thống ký (nói vui) mỏi tay, vẫn không xuể?. Phải phân quyền thôi!
- Chuyện ở ta. Xin cứ hỏi các bậc đại lão. Xưa, lính cứ gọi là lính. Chẳng xấu xa gì. Còn chiến sĩ lại khác (hãy tra nghĩa chữ "sĩ"). Lính hy sinh gọi là chết trận. Hy sinh oanh liệt (gương sáng), mới gọi là tử sĩ, liệt sĩ. Loanh quanh một hồi, nay hy sinh vì đạn lạc cũng thành liệt sĩ. Tất cả chỉ là nói mãi thì quen tai.
- Với GS cũng vậy thôi. Dù có sẽ rất nhiều, rồi xã hội vẫn biết: Có nhiều cỡ.
- Nguyễn Ngọc Lanh (nguyên là giáo sư của Trường ĐH Y Hà Nội)