Chiều 10/3, trao đổi với VietNamNet, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội), cho biết: “Việc lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến toàn dân. Trẻ em cũng là một công dân và cũng cần được lấy ý kiến".
Ông Hà Đình Bốn thông tin thêm: "Thực hiện kế hoạch của hội, vì không có nhiều nguồn lực nên chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Trường THCS Lương Yên để tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cũng theo ông Bốn, việc lấy ý kiến của học sinh diễn ra trong vài chục phút. Những học sinh tham gia hội nghị đều có hiểu biết tương đối, nhà trường cũng lựa chọn lớp lớn của cấp 2 tham gia. Ông Bốn cũng cho biết, hội nghị là dịp tuyên truyền về pháp luật cho học sinh.
“Tôi rất tiếc khi thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đến quyền của trẻ em. Thậm chí, chúng tôi tổ chức hội thảo, nhiều người còn cho rằng: "Trẻ em biết gì mà tham gia?" nhưng điều này không đúng".
Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ở thời đại công nghệ số, trẻ em tiếp cận thông tin một cách nhanh nhạy. Bên cạnh đó, theo thống kê, trẻ em bình quân chiếm 25% dân số và nếu có dự thảo luật nhưng không hỏi ý kiến trẻ em chúng ta chưa thực hiện đúng luật.
"Luật quy định lấy ý kiến toàn dân, tức là không loại trừ đối tượng nào. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải lắng nghe, ghi nhận những ý kiến đóng góp. Đến giờ, tôi có thể khẳng định, chúng tôi tổ chức lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) là hoàn toàn đúng pháp luật. Chúng tôi tổ chức công khai để lắng nghe trẻ em nói, trực tiếp cho các em cơ hội truyền đạt ý kiến”, ông Bốn cho hay.
Ông Hà Đình Bốn cũng mong muốn người dân nghiên cứu thận trọng đầy đủ chính sách pháp luật và đồng hành cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để các em được thực hiện quyền của mình.
Trước đó, tại Trường THCS Lương Yên đã diễn ra hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội thảo này, học sinh được trao đổi, bày tỏ các quan điểm, ý kiến liên quan Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời được bổ sung kiến thức và hiểu biết thêm các quy định về đất đai, nhất là các quy định liên quan tới trẻ em.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các em học sinh bậc THCS còn mang tính hình thức, không đúng đối tượng.
Ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Cụ thể như sau: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua vào ngày 22/6/2015) tại Điều 76. Trình tự xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp Quốc hội. Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp theo trình tự sau đây: Khoản 2: Trong thời gian giữa kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai của Quốc hội, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được thực hiện theo trình tự: Điểm b) Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội (nếu có); Khoản 3. Tại kỳ họp thứ hai: Điểm a) Đại diện cơ quan, tổ chức, đại diện Quốc hội trình dự án luật trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật (nếu có)". Căn cứ Luật Trẻ em 2016, Điều 34 quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp có nêu rõ: "Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng". Điều 74, Luật Trẻ em 2016 nêu rõ: Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Khoản 1. Các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em: Điểm a) Xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội". Điều 76. Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác, nhà trường, cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm sau đây: Khoản 1. Tổ chức và tạo Điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội; Khoản 2. Cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; công khai thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các Khoản đóng góp theo quy định; Khoản 3. Tạo điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học; quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ em quan tâm; Khoản 4. Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em. Thực hiện quyền tham gia lấy ý kiến nguyện vọng của toàn dân, trong đó, trẻ em cũng là một công dân, do đó không loại trừ đối tượng này, trẻ em cũng có quyền tham gia. |