Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột - Kết nối đam mê và khát vọng phát triển”. là một sự kiện trọng tâm của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, được tổ chức từ ngày 10-14/3 nhằm mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh năm 2023 và thời gian tới.
Hiện Đắk Lắk có 213.336 ha cà phê, sản lượng đạt trên 526.700 tấn/năm. Địa phương này được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Cà phê ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đa phần các cơ sở chế biến cà phê của Đắk Lắk hoạt động với quy mô nhỏ, chế biến khô với trang thiết bị máy móc đơn giản. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh và an ninh thế giới gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, kinh tế thế giới lạm phát cao gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cà phê.
Hội nghị kết nối giao thương quốc tế là cơ hội quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP của tỉnh nói riêng và các địa phương nói chung; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, các địa phương, các thương lái có cơ hội tiếp xúc, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của tỉnh.
Góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và nhận diện cà phê Buôn Ma Thuột đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phát triển sản xuất cà phê bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của người nông dân trồng cà phê.
Bên lề Hội nghị kết nối giao thương quốc tế sẽ có nhiều hoạt động, cụ thể: Gặp mặt nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước tại TP. Buôn Ma Thuột năm 2023; Tham luận của các chuyên gia, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu về tiềm năng xuất khẩu của cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp bên lề hội nghị; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh và các tỉnh/thành; tổ chức giao thương để kết nối các đơn vị sản xuất cà phê với các đơn vị xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại và đặc biệt là các nhà nhập khẩu nước ngoài; Tổ chức ký kết hợp đồng ghi nhớ, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm giữa các đối tác tại hội nghị.
Tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế này sẽ có thêm sự xuất hiện của các nhà nhập khẩu nước ngoài tham dự.
Hội nghị còn có sự tham gia của hơn 100 đại diện các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trong và ngoài tỉnh; các doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu đi các nước: Anh, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazin...
Ban tổ chức cho biết, tại Hội nghị sẽ có khu trưng bày các sản phẩm tham gia kết nối: cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê. Các sản phẩm tham gia trưng bày đều là các sản phẩm lợi thế, đặc sản cần kết nối, tiêu thụ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, nhất là an toàn thực phẩm, có đầy đủ thông tin về đơn vị sản xuất, trưng bày đẹp mắt, tập trung các sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh, ưu tiên sản phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, OCOP...
Chương trình kết nối giao thương quốc tế do Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức.
Ban tổ chức sẽ vận động các doanh nghiệp tham gia thông qua đa dạng hình thức như gửi thư mời trực tiếp, các nhóm trao đổi online, zalo, email, điện thoại, fax, các fanpage trên facebook...
Hội nghị sẽ có các nội dung như gặp mặt nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước. Tham luận của các chuyên gia; các nhà xuất khẩu, nhập khẩu về tiềm năng xuất khẩu của cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Bên lề Hội nghị còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp; quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh và những địa phương khác.
Quỳnh Nga