Chuyển đổi số diễn ra với tốc độ nhanh ngoài kỳ vọng vì dịch Covid
Tối 14/10, trong khuôn khổ ITU Digital World 2021, phiên Hội nghị Bộ trưởng chủ đề “Số hóa cuộc sống thường nhật: Các dịch vụ chính phủ và nội dung số thúc đẩy chuyển đổi số” đã diễn ra trực tuyến qua nền tảng số.
Phiên Hội nghị cấp Bộ trưởng khép lại sự kiện lớn nhất năm của các nước thành viên Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng dự phiên Hội nghị cấp Bộ trưởng vào tối 14/10. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Đánh giá phiên bàn tròn này là cơ hội tốt để các quốc gia cùng trao đổi những ý tưởng và thực tiễn tốt trong việc theo đuổi hành trình chuyển đổi số, bà Agne Vaiciukeviciute, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Lithuania cho rằng: Các chính sách của Chương trình nghị sự số hóa, cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ với giá cả phải chăng và tiếp cận rộng rãi, sẽ cung cấp “xương sống” cho việc số hóa các nền kinh tế.
Các diễn giả đều thống nhất rằng đại dịch Covid -19 đã tác động mạnh mẽ, buộc các quốc gia phải đẩy nhanh chuyển đổi số.
Nhấn mạnh ý nghĩa của chuyển đổi số với lĩnh vực giáo dục, ông Thomas Davin, Giám đốc Đổi mới toàn cầu của UNICEF thông tin: Trước Covid-19, chúng ta có khoảng 260 triệu trẻ em không được đến trường và khoảng 825 triệu trẻ em, những người trẻ tuổi đang trên đà đến tuổi trưởng thành không được trang bị đủ kỹ năng phù hợp ở cấp trung học, mà lẽ ra họ phải nhận được từ các trường học.
Hiện tại, trong đại dịch, có 1,6 tỷ trẻ em bị gián đoạn việc học tập. Hơn 18 tháng đã trôi qua kể từ khi dịch mới bùng phát nhưng có khoảng 18 triệu trẻ em vẫn chịu hậu quả của việc đóng cửa trường học. Giải pháp duy nhất cho điều này là kết nối kỹ thuật số. “Nếu các trường học, các cộng đồng và những đứa trẻ đó được kết nối, đây thực sự là bước đầu tiên của sự tiến bộ”, ông Thomas Davin nói.
Ông Tsoinyana Rapapa, Bộ trưởng Bộ Công nghệ, Khoa học và Truyền thông của Lesotho nhấn mạnh: Đại dịch đã thách thức cách chúng ta vận hành cuộc sống bình thường. Và trong khi đại dịch không bỏ qua bất cứ quốc gia nào, có những bài học quan trọng để lại. “Chúng tôi đã học được rằng cần đặt nhiều nỗ lực vào chuyển đổi số để biến lý thuyết trở thành thực tiễn”, ông Tsoinyana Rapapa chia sẻ.
Theo ông, đại dịch đã chỉ ra rằng Chính phủ cần ưu tiên các chính sách và hỗ trợ hạ tầng ICT cho quá trình chuyển đổi số các dịch vụ. Các sáng kiến của Chính phủ đã được thực hiện độc lập ở nhiều quốc gia khác nhau. Sở dĩ như vậy là do tính địa phương hóa ở mỗi đất nước.
Do đó, đại diện Lesotho đề xuất các nước cần tập trung thông tin để thúc đẩy hiệu quả việc sử dụng ICT và Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt. “Điều này bao gồm những chính sách thúc đẩy đầu tư nội dung bản địa ở các nước đang phát triển. Các bên liên quan cũng cần có sự tham gia vào cuộc mạnh mẽ, bao gồm cả khu vực tư và một số khu vực khác”, ông Tsoinyana Rapapa lý giải.
Song song đó, các nước cần đầu tư xây dựng những quỹ dự phòng để giảm thiểu bất bình đẳng kỹ thuật số; đồng thời đảm bảo mọi người có quyền truy cập Internet với giá cả phải chăng, đáng tin cậy và đủ băng thông đáp ứng nhu cầu thường nhật.
“Tôi kêu gọi các cơ quan quản lý liên tục thích ứng với sự thay đổi, tự làm mới để hiểu rõ những vấn đề và quan điểm chuyển đổi số. Lời kêu gọi này cần sự hợp tác giữa các chính phủ, các cơ quan quản lý và nó sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người”, Bộ trưởng Bộ Công nghệ, Khoa học và Truyền thông của Lesotho nêu quan điểm.
Chuyển đổi số là chất xúc tác quan trọng nhất cho tăng trưởng
Với diễn giả đến từ Cơ quan quản lý CNTT-TT (CITRA) của Kuwait, ông Salim M. Al-Ozainah, Chủ tịch, Tổng giám đốc điều hành đơn vị này nhận định, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những xáo trộn khiến quá trình chuyển đổi số phải diễn ra với tốc độ nhanh ngoài kỳ vọng.
Các chính phủ đang phải chuyển nhiều dịch vụ công sang trực tuyến nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận chúng. Các lĩnh vực tư nhân cũng thúc đẩy giao dịch trực tuyến, giáo dục chuyển sang trực tuyến để học sinh, sinh viên có thể tiếp tục học tập ... “Điều kiện mới buộc các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp phải có chính sách, chiến lược phù hợp để thích ứng”, ông Salim M. Al-Ozainah nói.
Phiên Hội nghị Bộ trưởng vào tối 14/10 có chủ đề “Số hóa cuộc sống thường nhật: Các dịch vụ Chính phủ và nội dung số thúc đẩy chuyển đổi số” (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Đại diện CITRA nhận xét: Chuyển đổi số cùng việc khai thác ứng dụng đám mây sẽ giúp cắt giảm thời gian, chi phí và đạt được sự linh hoạt, hiệu quả hơn trong thông tin liên lạc và các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội.
Không những thế, quá trình này sẽ mở rộng phạm vi phát triển, sự thay đổi cũng như tính chính xác của việc chuyển đổi ưu tiên của nền kinh tế, các thị trường địa phương và các lĩnh vực công nghiệp. Chuyển đổi số là động lực, chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng.
Ba ưu tiên chính về chuyển đổi số
Cũng nhìn nhận tác động của đại dịch ở khía cạnh tích cực, ông Majed Sultan Al Mesmar, Cục trưởng Cục Viễn thông và Chính phủ số (TDRA), Các tiểu vương quốc Ả rập cho rằng, đại dịch đã giúp các nước nhận ra những lợi ích to lớn của chuyển đổi số, dù ở khía cạnh kinh tế - xã hội hay môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm của nước mình, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Lithuania, bà Agne Vaiciukeviciute cho biết, dựa trên nền tảng của cơ sở hạ tầng số, Lithuania đã xác định 3 ưu tiên chính về chuyển đổi số gồm quản trị CNTT công, dữ liệu mở và thúc đẩy các đổi mới kỹ thuật số.
Lithuania đang khám phá cách quản trị CNTT để tạo cơ sở kỹ thuật số mạnh mẽ cho khu vực công nhằm tăng trưởng GDP, giảm chi tiêu công, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, củng cố đầy đủ nguồn dữ liệu nhà nước để các dịch vụ và quy trình cơ sở hạ tầng CNTT của các tổ chức công được quản lý tập trung một cách hiệu quả, an toàn.
“Chúng tôi đã đầu tư khoảng 95 triệu Euro để đảm bảo sự thành công của cuộc cải cách này. 15 triệu Euro khác được phân bổ nhằm tăng cường an ninh mạng cho hệ thống ID quốc gia. Chúng tôi sẽ thúc đẩy hệ thống dữ liệu mở trong chính sách công để cải thiện chất lượng và nền tảng cho cộng đồng khoa học công và các doanh nghiệp. Các cộng đồng khác cũng có thể sử dụng nó một cách dễ dàng”, bà Agne Vaiciukeviciute chia sẻ.
Chính phủ Lithuania còn ưu tiên thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số. Nỗ lực phục hồi kinh tế và phát triển các mạng LAN bền vững đã mang tới những ưu đãi tài chính trị giá 50 triệu Euro cho các công ty khởi nghiệp, sẽ có nhiều sản phẩm, giải pháp về công nghệ Blockchain, AI và các quy trình đô thị mà nước này coi là một phần quan trọng trong chính sách chuyển đổi số.
Thách thức để duy trì niềm tin trong môi trường số
Với Indonesia, bà Mira Tayyiba, Tổng thư ký Bộ TT&TT nước này khẳng định, công nghệ số đã trở thành trụ cột của Indonesia trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Kể từ lúc bắt đầu dịch bệnh, khu vực số nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất, đạt tỷ lệ 10,58% vào năm 2020 và tăng trưởng lũy kế 7,78% trong nửa đầu năm nay.
Lĩnh vực kỹ thuật số cũng là động lực để các doanh nghiệp kiên trì vượt qua khủng hoảng. Đại dịch đã thúc đẩy các quốc gia làm việc chăm chỉ hơn và hiệu quả hơn khi đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số.
“Đại dịch thúc đẩy nỗ lực của Chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ công để tạo ra sự phục hồi ở Indonesia. Chúng tôi đã xây dựng 1 ứng dụng tích hợp nhằm hỗ trợ người dân, đến tháng 10/2021 đã có 52 triệu người dùng. Ứng dụng này cung cấp đăng ký tiêm chủng, dịch vụ số và nhiều tiện ích khác. Công nghệ số tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia và được hưởng lợi từ các hoạt động của nền kinh tế”, bà Mira Tayyiba cho hay.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT Indonesia cho rằng: Khả năng tiếp cận dịch vụ số do hạ tầng thiếu hụt hoặc chi phí cao hoặc không đủ năng lực sử dụng công nghệ số chắc chắn sẽ làm rộng thêm khoảng cách số. Vì thế khả năng kết nối và băng thông phải được tăng lên.
Trong bối cảnh này, Chính phủ Indonesia đã thông qua các bộ, ban, ngành có liên quan đã tập trung vào việc cung cấp truy cập Internet đáng tin cậy với giá cả phải chăng cũng như trang bị cho người dân kiến thức cần thiết để sẵn sàng số hóa.
Trao đổi tại phiên bàn tròn, từ kinh nghiệm của đơn vị đã và đang tham gia cùng các cơ quan Chính phủ trong việc đưa dịch vụ của nhà nước đến với người dân, Tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng đã chỉ ra một trong những thách thức đối với chuyển đổi số thời kỳ hậu đại dịch là việc duy trì niềm tin trong môi trường số để mọi người tự tin làm việc và sinh sống chủ yếu trong môi trường đó.
“Đảm bảo an ninh mạng là điều kiện tiên quyết. Việc xây dựng một môi trường kỹ thuật số an toàn và minh bạch phải là nhiệm vụ chung của các chính phủ và doanh nghiệp”, ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.
Nhóm phóng viên ICT
Các đại gia công nghệ Việt trình diễn gì tại ITU Digital World?
Những doanh nghiệp công nghệ Việt trình diễn nhiều giải pháp, sản phẩm Make in Việt Nam tại gian hàng trực tuyến 2D, 3D trong sự kiện ITU Digital World, đem đến những trải nghiệm độc đáo cho người xem.