Jennette McCurdy, 32 tuổi, là cựu diễn viên, ca sĩ người Mỹ. Năm 2017, cô từ bỏ diễn xuất và theo đuổi công việc làm phim. Năm 2020, vở kịch một người diễn I'm Glad My Mom Died của cô tại Nhà hát Lyric Hyperion và Nhà hát Hudson ở Los Angeles, Mỹ, bán hết vé. McCurdy chủ trì podcast Empty Inside và Hard Feelings, chia sẻ nhiều chủ đề như mặt tiêu cực của cuộc sống, bị người thân lạm dụng, thói quen xấu.
Cuốn sách xoay quanh cuộc sống và sự nghiệp diễn viên của Jennette McCurdy bên cạnh một người mẹ ái kỷ, bạo hành cảm xúc, chi phối hoàn toàn công việc, danh tính và quá trình phát triển tự nhiên của Jennette.
Hành trình chữa lành của Jennette chỉ thực sự bắt đầu sau khi mẹ cô qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2013 (năm đó Jennette 21 tuổi).
Tại sao ai đó lại có thể “nhẹ lòng” khi người mẹ của mình qua đời? Một cuốn sách với tựa đề táo bạo, dễ khiến độc giả… khựng lại vài giây và ngẫm nghĩ.
Nhưng có lẽ sự táo bạo này đã chạm đến nỗi lòng khó nói của nhiều người. Bằng chứng là tác phẩm đã lọt top 10 danh sách bán chạy nhất của New York Times trong 84 tuần liên tiếp, đạt giải Goodreads Choice Award 2022 hạng mục hồi ký và tự truyện hay nhất.
Cuộc sống với người mẹ ái kỷ, bạo hành
Suốt thời thơ ấu đến những năm đầu trưởng thành, cuộc sống của Jennette xoay quanh mẹ. Mục đích sống của cô là để mẹ hài lòng, vui vẻ. Và người mẹ ái kỷ của Jennette cũng phần nào “lợi dụng” căn bệnh ung thư của mình nhằm thao túng con gái.
Rõ rệt nhất là sự nghiệp diễn viên nhí của Jennette. Cô đóng phim từ năm 6 tuổi vì đó là điều mẹ cô muốn. Hệ quả là Jennette dành 18 năm cho nghiệp diễn, phớt lờ sự thật rằng cô phần nào chán ghét công việc này.
Khuôn mẫu này lặp lại trong mọi khía cạnh khác của Jennette, từ ăn uống, ngoại hình, cho đến các mối quan hệ. Cô bắt đầu ăn kiêng ở tuổi 11 theo ý mẹ, một nguyên nhân dẫn đến chứng ăn - nôn cực kỳ nghiêm trọng sau này.
Cả hai mẹ con dùng chung nhật ký và email. Jennette thậm chí còn để mẹ tắm cho mình đến tận năm 16 tuổi, khám vú và âm đạo cho cô. Khi phát hiện Jennette nói dối để đi chơi với bạn trai, mẹ đã ném đồ đạc về phía cô và gọi là “con quỷ thối tha dối trá”.
“Tôi không biết làm thế nào có thể sống mà không nép dưới cái bóng của mẹ, khi mọi hành động không còn phụ thuộc vào mong muốn, nhu cầu và sự chấp thuận của mẹ”, Jennette viết.
Trong Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa, Jennette McCurdy kể lại phần đời đã qua của mình với giọng văn bình thản, thỉnh thoảng hài hước, nhưng ẩn chứa bên trong là sự nhạy cảm, đau lòng và sự quan sát tinh tế.
Sách được chia thành 2 phần chính, trước và sau khi mẹ Jennette qua đời. Những tưởng phần 1 khiến người đọc đau lòng nhất, thế nhưng phần 2 lại đem đến cho độc giả một cảm giác nặng nề hơn cả, khi Jennette chống chịu với nỗi đau mất mẹ lẫn sự sụp đổ tên tuổi, không còn mục đích sống.
Những bước đi chữa lành đầy gập ghềnh sau đó của Jennette là hành trình chân thực và cảm xúc, đặc biệt hữu ích cho ai đó cũng đang trải qua các vấn đề tâm lý tương tự.
Không chỉ hồi ký mà còn là một “tư liệu văn hóa”
Những năm gần đây, những từ khoá về cha mẹ độc hại, thao túng tâm lý, ái kỷ… dần phổ biến hơn. Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa có lẽ cũng nằm trong làn sóng đó, nhưng không dưới dạng một phân tích, nghiên cứu của nhà tâm lý học, mà là hành trình cảm xúc của người đã thực sự trải qua.
Không phải ai cũng từng là một ngôi sao nhí, có cha mẹ mắc bệnh ung thư và bị họ bạo hành cảm xúc nặng nề. Nhưng chắc chắn, nhiều người trưởng thành đang sống dưới cái bóng áp đặt quá mức của phụ huynh.
Câu chuyện của Jennette McCurdy là điển hình của việc tìm lại chính mình, khẳng định bản thân, dù điều đó đi ngược lại ý muốn của cha mẹ.
Nhận xét về cuốn sách, diễn viên Lena Dunham viết: “Jennette McCurdy đã sử dụng những vết thương của mình để dệt nên câu chuyện hài hước đến đau lòng, phản ánh tình trạng thương mại hóa các bé gái tuổi vị thành niên ở Mỹ. Đây không chỉ là cuốn hồi ký mang tính cá nhân sâu sắc mà còn là một tư liệu văn hóa quan trọng”.
Tờ The Guardian nhận định: “Tiêu đề rất khiêu khích nhưng cuốn hồi ký của McCurdy là bức chân dung sâu sắc về ái kỷ, rối loạn chức năng gia đình và sự tàn ác có thể bị nhầm lẫn với tình yêu”.
Ngọc Quỳnh