- Cuốn hồi ký “Hard Choices” của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người vừa tuyên bố chạy đua ghế Tổng thống Mỹ hé lộ nhiều bí mật bên trong những cuộc khủng hoảng quốc tế và nước Mỹ, các quyết định chính trị quan trọng và thử thách “cân não” mà bà phải đương đầu trong 4 năm làm Ngoại trưởng.

"Hard Choices" (Những lựa chọn khó khăn) xuất bản năm 2014, dày hơn 600 trang.

Cuốn hồi ký đã nhận được sự cố vấn về nội dung của nhiều chuyên gia chính sách hàng đầu Mỹ và thế giới. Nhiều nhà quan sát chính trị và các phóng viên quốc tế cho rằng “Hard Choices” là một cách quảng bá hiệu quả cho hình ảnh và đường lối ngoại giao thiên về “quyền lực mềm” của bà Hillary Clinton, đóng vai trò mở đường quan trọng trong cuộc đua của bà để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

{keywords}
Bà Hillary Clinton và cuốn hồi ký “Hard Choices”. Ảnh: Getty Images

Hôm 10/4, chỉ vài ngày trước khi phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2016-2020, bà Hillary Clinton đã công bố phần bổ sung mới nhất của hồi ký, trong đó đề cập những ngày cuối cùng của bà trên cương vị Ngoại trưởng, cuộc sống mới với tư cách bà ngoại và những suy nghĩ hướng về tương lai.

Các cuộc thăm dò trong nhiều tháng liền đều cho thấy bà Clinton áp đảo các ứng viên khác của đảng Cộng hoà trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần này.

Ấn tượng Việt Nam


Trong cuốn “Hard Choices”, bà Hillary Clinton nhiều lần nhắc tới Việt Nam với ấn tượng tốt đẹp. Bà cho biết còn nhớ sâu sắc một ngày tháng 7/1995, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton đưa ra tuyên bố quan trọng về việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam tại Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của các cựu binh chiến tranh Việt Nam, gồm thượng nghị sỹ John Kery và John McCain.

Theo bà Hillary, đó là sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới - chữa lành những vết thương cũ và tạo dựng con đường cải thiện quan hệ chiến lược và kinh tế giữa hai nước.

Khi ông Bill Clinton là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam vào năm 2000, vợ chồng bà nghĩ rằng sẽ phải đương đầu với sự oán giận hoặc thậm chí thái độ thù địch, nhưng khi đi vào thành phố, họ lại thấy đám đông người dân Việt Nam đứng dọc bên đường chào đón. Các sinh viên Việt Nam, những người lớn lên trong giai đoạn hoà bình, tập hợp tại Đại học Quốc gia Hà Nội để nghe Tổng thống Bill Clinton phát biểu.

“Ở tất cả những nơi tới thăm, chúng tôi đều cảm nhận được sự ấm áp và lòng hiếu khách của người dân Việt Nam. Đó là sự phản ánh về thiện chí đã phát triển giữa hai nước chỉ qua một thế hệ và là bằng chứng rõ ràng về việc quá khứ không quyết định tương lai”- bà Hillary viết trong hồi ký.

Trở lại Hà Nội trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ năm 2010, bà Hillary Clinton cảm thấy kinh ngạc trước sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ Việt-Mỹ kể từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Năm 2010, thương mại song phương đã đạt gần 20 tỷ USD, trong khi con số trước khi hai nước bình thường hoá quan hệ chỉ khoảng 250 triệu USD.

Bà Hillary nhận định: "Việt Nam là một cơ hội chiến lược độc đáo dù còn thách thức; Việt Nam đang có những bước đi vững chắc để mở cửa nền kinh tế và cố gắng thể hiện vai trò lớn hơn trong khu vực”.

Việt Nam và TPP

Trong phần viết về khu vực Thái Bình Dương, bà Hillary Clinton tiết lộ rằng một trong những công cụ quan trọng nhất để Mỹ kết nối với Việt Nam là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

{keywords}
Những hồi ức về Việt Nam trong cuốn hồi ký. Ảnh: Thuỳ Dương

TPP được kỳ vọng tạo ra mối liên kết giữa các thị trường châu Á và Mỹ, giảm các hàng rào thuế quan trong khi nâng cao chất lượng lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ.

Theo bà Hillary Clinton, mục tiêu đàm phán TPP là để tạo ra “một hiệp định thương mại có ý nghĩa, có khả năng thi hành và tiêu chuẩn cao”. TPP có ý nghĩa quan trọng đối với các công ty Mỹ cũng như người lao động Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008, cả bà Hillary và đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đều cam kết theo đuổi những hiệp định thương mại mạnh mẽ và công bằng hơn.

Trong cuốn “Hard Choices”, bà Hillary cho rằng Việt Nam cũng ở vị trí có thể giành được nhiều lợi ích từ TPP, bởi vậy lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng thực hiện một số cải tổ để đạt được hiệp định mới này.

Theo bà Hillary, TPP đang trở thành trụ cột kinh tế quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại châu Á, thể hiện lợi ích trong việc hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và tuân theo trật tự dựa trên luật lệ.

Vấn đề Biển Đông tại Hà Nội


Trong hồi ký của mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhớ lại thời điểm diễn ra Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 ở Hà Nội tháng 7/2010.

Theo bà Hillary, vào ngày thứ hai của ARF-17, chủ đề duy nhất nổi lên trong suy nghĩ của mọi người là vấn đề Biển Đông. Các tranh chấp lãnh thổ trở thành một câu hỏi quan trọng: Liệu Trung Quốc có sử dụng sức mạnh đang lên để áp đặt phạm vi ảnh hưởng? Hoặc liệu khu vực có tái khẳng định rằng những hình mẫu quốc tế cũng phải ràng buộc được thậm chí cả các quốc gia mạnh nhất?

Trong khi đó, Trung Quốc khăng khăng cho rằng các tranh chấp lãnh thổ không phải là chủ đề thích hợp cho một hội nghị khu vực. Bà Hillary đã phải họp hàng giờ với ông Kurt Campbell và các trợ lý châu Á để thống nhất những gì Mỹ sẽ tuyên bố.

Ngay khi mở màn phiên họp ASEAN, Việt Nam đã nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tiếp đó, ngoại trưởng các nước khác lần lượt bày tỏ quan ngại, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận mang tính hợp tác và đa phương trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Khi thời cơ tới, bà Hillary đã ra hiệu đề nghị phát biểu.

“Tôi nói rằng Mỹ không đứng về phía nào trong mọi tranh chấp nhưng ủng hộ cách tiếp cận đa phương đã được đề nghị, tuân thủ theo luật quốc tế và không được cưỡng bức hay đe doạ sử dụng vũ lực. Tôi hối thúc các quốc gia trong khu vực đảm bảo tự do di chuyển trên Biển Đông và cùng nhau xây dựng một bộ quy tắc ứng xử để ngăn chặn xung đột. Mỹ sẵn sàng tạo thuận lợi cho tiến trình này bởi vì Mỹ cho rằng tự do hàng hải trên Biển Đông là 'lợi ích quốc gia' của Mỹ” - bà Hillary nhắc lại trong hồi ký.

Theo bà, “lợi ích quốc gia” là cụm từ được lựa chọn cẩn thận, nhằm đáp trả tuyên bố trước đó của Trung Quốc rằng việc mở rộng yêu sách chủ quyền lãnh thổ trong khu vực là “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh.

Từ Hà Nội trở về Washington, tâm trí bà Hillary vẫn ngập tràn những kịch tính về vấn đề Biển Đông và bà cảm thấy tự tin hơn về chiến lược và vị trí của Mỹ ở châu Á.

Trịnh Thùy Dương