- Chính phủ cho rằng hội do công dân tự nguyện thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu thì không phải đăng ký, nhưng UB Pháp luật QH thấy cần cân nhắc.
Trình dự thảo luật về Hội trước QH hôm nay, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết tính đến tháng 12/2014, cả nước có 52.565 hội, trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình |
UB Pháp luật QH, cơ quan thẩm tra, thấy đây là biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa, nhưng pháp luật về lĩnh vực này chưa đầy đủ, thực tế hoạt động còn nhiều hạn chế, bất cập, cần ban hành luật về Hội.
"Luật phải thể chế hóa quan điểm 'Đảng, nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để... các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội', 'Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và nhà nước'; cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về vai trò 'giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, nhà nước' của các hội", Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nói.
"Luật phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự trang trải kinh phí hoạt động, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước, tránh xu hướng 'hành chính hóa' tổ chức và hoạt động của hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về hội; góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội".
Theo Bộ trưởng Nội vụ, so với pháp luật hiện hành, dự thảo đã giảm bớt thủ tục đăng ký thành lập hội. Theo đó, hội không có tư cách pháp nhân là hội do công dân VN tự nguyện thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu, như đồng niên, đồng ngũ, đồng môn dòng họ... không phải đăng ký.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý |
UB Pháp luật QH kiến nghị cân nhắc vì số lượng loại hội này rất lớn, luật không bao quát và điều chỉnh thì việc quản lý, xử lý vi phạm đối với loại tổ chức này sẽ khó thực hiện.
Về chính sách đối với hội, Chính phủ dự định chỉ các hội được thành lập do nhu cầu của Đảng và nhà nước mới được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động.
UB Pháp luật nhắc đến chủ trương của Đảng về “giữ ổn định biên chế đến hết năm 2016", kiến nghị không đặt vấn đề tiếp tục cấp kinh phí hoạt động hay giao biên chế cho các tổ chức hội.
Công chức nên hạn chế lập hội
Cơ quan thẩm tra muốn làm rõ việc cán bộ, công chức bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội, nếu chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Theo luật, cán bộ, công chức là người đang công tác trong các cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Vậy theo dự thảo, họ muốn lập hội, tham gia hội thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào? Viên chức nhà nước, cán bộ xã, phường, thị trấn có bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội không?", ông Phan Trung Lý đặt vấn đề.
Theo UB Pháp luật, thực tế không ít cán bộ, công chức hiện đang là thành viên của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp mà việc tham gia này là cần thiết và chính đáng. Do đó, luật chỉ nên hạn chế họ đứng ra thành lập hội và tham gia ban lãnh đạo hội.
Dự thảo quy định các hội không được có lĩnh vực hoạt động trùng lắp, nhằm tránh tình trạng lập hội tràn lan, phức tạp trong quản lý. Nhưng UB Pháp luật thấy như vậy không khuyến khích được các hội nâng cao hiệu quả hoạt động, chưa bảo đảm bình đẳng giữa các hội, có thể dẫn đến hạn chế quyền lập hội của công dân.
UB cũng không đồng tình phân loại phạm vi hoạt động của hội theo đơn vị hành chính.
"Thực tiễn có những hội từ thiện, nhân đạo ở tỉnh này đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt ở tỉnh khác; có hội ở cấp tỉnh nhưng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên ở cấp trung ương hoặc ở tỉnh khác. Theo bộ luật Dân sự, tổ chức có tư cách pháp nhân không bị giới hạn hoạt động trong một đơn vị hành chính lãnh thổ cụ thể", ông Lý nói.
Chung Hoàng