Vốn yêu thích các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ nhưng chị Minh Thư (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ mua mỗi tháng vài ba lần cho gia đình đổi bữa vì giá thành của chúng tương đối đắt đỏ.
Thậm chí, với những hải sản nhập ngoại như tôm hùm Alaska, cua hoàng đế, cua nâu Canada, chị càng không dám nghĩ đến bởi mức giá cao, từ một đến vài triệu đồng mỗi cân.
Thế nhưng, gần đây, chị Thư phát hiện ra nhiều cửa hàng hải sản hoặc trên chợ mạng thỉnh thoảng rao bán các loại cua, ghẹ "khuyết tật" (tức gãy càng, thiếu chân hoặc vỡ mai, vỏ,....) hay tôm "ngất" (vừa mới chết) với giá thành khá rẻ, thậm chí chỉ bằng 1/2 hàng nguyên con đang bơi.
"Ban đầu thấy giá rẻ quá, tôi cũng sợ hải sản chất lượng kém nhưng mua thử vài mẻ cua, ghẹ gãy càng về chế biến lại thấy ngon. Cua hay ghẹ đều chắc thịt, không bị óp và có vị ngọt tự nhiên không khác nhiều so với hàng tươi sống, chỉ là hình thức của chúng không được đẹp mắt thôi", chị Thư nói.
Người phụ nữ này cho biết thêm, cua gạch thường có giá 550.000 - 650.000 đồng/kg thì hàng bị thương chỉ còn 300.000 - 380.000 đồng/kg. Ghẹ nguyên con khoảng 250.000-300.000 đồng/kg thì loại gãy càng, mất chân giá khoảng 150.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, những mặt hàng này không có thường xuyên. Với hải sản "ngoại" như tôm Alaska hay cua hoàng đế, loại "khuyết tật" càng hiếm. Để tìm mua được, hội chị em phải "canh" từng giờ, từng phút trên chợ mạng hay qua các cửa hàng hải sản online.
Chị Trần Diệu (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng là tín đồ "săn" hải sản bị thương từ các cửa hàng hải sản online hay chợ mạng. Tuần qua, chị đã mua được 3 con cua nâu Ireland bị mất càng với giá 500.000 đồng/kg. Mỗi con nặng gần 900g, tính ra hết 1,3 triệu đồng.
Theo chị, so với hải sản nguyên con thì hàng "khuyết tật" khan hiếm hơn mà giá rẻ chỉ bằng 1/2 lại đảm bảo độ tươi ngon, giàu dinh dưỡng nên được nhiều bà nội trợ "săn lùng".
"Cua vẫn tươi sống, chỉ là mất một càng và rụng chân nên cửa hàng bán rẻ. Còn nếu nguyên con, đầy đủ các bộ phận thì cua này có giá hơn 800.000 đồng/kg, nặng từ 0,8 - 1,2kg.
Việc chế biến cua cũng đơn giản, tôi đem hấp bia rồi chấm muối ớt chanh. Cả nhà được bữa thưởng thức hải sản nhập ngoại no nê mà tính ra chi phí rất rẻ", chị Diệu cho hay.
Anh Nguyễn Tuấn - Giám đốc chi nhánh của một tổng kho hải sản nhập ngoại trên đường An Dương Vương, quận Tây Hồ cho biết, hải sản tươi sống luôn có sẵn nhưng hàng rụng càng, chân hay vỡ mai thì không có thường xuyên và số lượng cũng hạn chế.
Theo anh Tuấn, các loại cua, ghẹ và tôm có kích thước lớn như cua gạch, cua hoàng đế, tôm hùm Alaska,... trong quá trình vận chuyển hoặc nuôi ở bể sục có thể bị rụng càng, gãy chân.
Những loại hải sản này có trọng lượng lớn hơn nhiều so với hàng trong nước, giá thành lại cao và cần đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Bởi vậy, khi phát hiện tôm, cua, ghẹ,... gặp vấn đề, các cửa hàng hải sẽ rao bán ngay và giảm giá 20-30% để hải sản đến tay khách và khi chế biến vẫn giữ được chất lượng.
Để đảm bảo chất lượng thịt, một số thương lái hay cửa hàng còn hấp chín hải sản ngay khi phát hiện hàng bị thương.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thủy - chủ một nhà hàng hải sản ở quận Hoàng Mai thừa nhận, mặc dù vẫn sống, bơi khỏe nhưng do bị thương không quá trình vận chuyển nên cua, ghẹ "khuyết tật" được loại riêng ra để bán với giá rẻ.
Chị Thủy cho hay, hải sản gãy chân, càng hay bị thương nếu không bán được sẽ nhanh chết. Cửa hàng phải bán ngay để chất lượng mặt hàng vẫn đảm bảo tươi ngon mà còn gỡ lại được chút vốn.
Thỉnh thoảng gom được ít hải sản "khuyết tật", chị rao bán chỉ chừng 10-15 phút đã có khách đặt mua hết. Tuy nhiên, cửa hàng cũng không thể nhận đặt trước vì không biết lúc nào mới có hàng loại và số lượng loại ra mỗi ngày cũng khác nhau.
"Ngày nào cũng có khách liên hệ hỏi mua song loại hàng này không nhiều, không có thường xuyên, mỗi lần chỉ vài cân hoặc chục cân.
Các đơn vị cung cấp, vận chuyển hay nhà hàng như chúng tôi phải rất cẩn thận, không để hải sản bị thương hay chết ngạt bởi giá thành của chúng khá cao, nhất là hàng nhập ngoại. Cứ mỗi lô hàng mà có vài con bị thương như vậy thì coi như mất lãi, có khi phải bù lỗ nhiều", chị Thủy cho hay.
Người phụ nữ này nói thêm, mặc dù mặt hàng không được đánh giá cao về hình thức nhưng giá thành rẻ, chất lượng vẫn đảm bảo nên khách nhiệt tình tìm mua. Nhiều người cũng vì thế mà có thể thưởng thức các loại hải sản đắt tiền ở trong và ngoài nước mà không cần quá lo lắng về chi phí.
(Theo Dân Trí)