Trước những ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực an toàn thông tin ở các địa phương đang rất yếu, và đó là nguy cơ cho việc đảm bảo an toàn thông tin ở các địa phương và thách thức khi chúng ta làm Chính phủ điện tử, ông Nguyễn Tiến Quỳnh, Phó Giám đốc Phụ trách đào tạo Học viện NetPro cho rằng đúng là nguồn nhân lực an toàn thông tin ở các địa phương đang rất yếu. Tuy nhiên, nếu cho rằng đó là nguy cơ khi chúng ta làm Chính phủ điện tử là chưa chính xác.

“Theo tôi biết chúng ta không làm Chính  phủ điện tử một cách ồ ạt mà có lộ trình. Và yếu tố nhân lực đảm bảo an toàn thông tin ở từng địa phương nói riêng, kiến thức CNTT của người dùng nói chung cũng được trang bị theo lộ trình. Tôi cho rằng, chúng ta không kỳ vọng nguồn nhân lực an toàn thông tin ở từng địa phương có thể làm tất cả các công việc để chống lại mọi cuộc tấn công, mà hướng đến xây dựng hệ thống nguồn nhân lực có phân cấp. Ví dụ, các cấp địa phương cần có các bước xử lý ban đầu tương ứng khi có sự cố an toàn an ninh thông tin, sau đó phối hợp với các đơn vị liên quan cùng tham gia xử lý ở các mức sâu hơn” ông Nguyễn Tiến Quỳnh nói.

Trước đó, đề cập đến nguồn nhân lực an toàn thông tin, ông Nguyễn Chí Thành, Viện trưởng Viện An toàn thông tin thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho rằng, số lượng của các kỹ sư ATTT đạt trình độ quốc tế của chúng ta vẫn còn khá ít ỏi, trên 50% tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin mà chỉ có các phòng, bộ phận phụ trách chung về CNTT. Phần nhiều kỹ sư CNTT tại Việt Nam chưa được đào tạo bài bản về an toàn thông tin. Một số cán bộ đang đảm trách công tác an toàn thông tin chỉ có những hiểu biết chung về CNTT. Thậm chí, có những người còn chưa có bằng cấp về lĩnh vực  CNTT. Theo thống kê của VNISA, tỷ lệ cán bộ phụ trách lĩnh vực an toàn thông tin chưa có bằng cấp đang chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục trong lĩnh vực CNTT nói chung và an toàn thông tin đang diễn ra hết sức nhanh chóng đòi hỏi chúng ta phải đào tạo tại lại nguồn nhân lực an toàn thông tin hiện có.

Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn - Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, Đề án 99 (Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” đã thu được những kết quả quan trọng. Đặc biệt là các cơ sở đào tạo trọng điểm đã phối hợp trong việc xây dựng nội dung chương trình, tham mưu để tăng cường cơ sở vật chất để tiến tới nâng cao một bước chất lượng đào tạo cũng như chuẩn hóa nội dung đào tạo chuyên gia an toàn thông tin.

“Tôi tin tưởng rằng, với nội dung của Đề án 99, công tác đào tạo nguồn nhân lực và công tác nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực an toàn thông tin sẽ được quan tâm và sẽ có những kết quả để đóng góp vào việc đào tạo chuyên gia an toàn thông tin có trình độ cao không chỉ cho khu vực kinh tế xã hội mà còn cho cả khu vực quản lý nhà nước”, người đứng đầu Ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước sớm có kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin đến năm 2020. Sau Việt Nam, Nhật Bản và Singapore cũng mới ban hành kế hoạch này, còn Trung Quốc hiện đang xây dựng kế hoạch.