GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện KHXH khẳng định những sai phạm trước đây của học viện là không thể biện minh. Tuy nhiên, cũng có những điểm cần có cách nhìn thấu đáo hơn.

Một giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh cùng lúc

Một giáo sư hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh cùng lúc

Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có kết luận thanh tra việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có kết luận thanh tra về hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót của đơn vị này trong hoạt động đào tạo thạc sĩ tiến sĩ. 

VietNamNet có cuộc trao đổi với GS. TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện KHXH về vấn đề này.

Sai phạm không thể biện minh

Thưa ông, theo kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, Học viện KHXH có nhiều sai phạm trong công tác đào tạo thạc sĩ tiến sĩ thời gian qua. Là phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và cũng là Giám đốc Học viện KHXH, ông có ý kiến gì về nội dung kết luận của thanh tra?

- Các nội dung trong kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT về việc phân công người hướng dẫn cùng lúc hướng dẫn quá nhiều học viên, NCS, chương trình đào tạo còn thiếu, tuyển sinh đầu vào thạc sĩ, tiến sĩ đối với những người không đúng chuyên ngành đào tạo cũng như những thiếu sót về thủ tục hành chính là có thật. 

Chẳng hạn như việc một người hướng dẫn cùng lúc 44 học viên cao học là không thể chấp nhận được. Các quy định đã rất rõ ràng nhưng người đứng đầu lại không kiểm soát được. Cái đó là sai và không thể biện minh.

{keywords}
GS. TS Phạm Văn Đức trao đổi về những sai phạm trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện KHXH Việt Nam. Ảnh: Lê Văn.

Tuy nhiên, đây đều là những sai sót trong giai đoạn trước tháng 9/2016. Trong năm 2016, Học viện KHXH đã tổ chức giải trình, kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót, sai phạm trước khi có kết luận thanh tra. 

Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm KHXH đã ra nghị quyết về việc đổi mới và cải cách HV KHXH. Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã bổ nhiệm tôi là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kiêm nhiệm Giám đốc Học viện KHXH thay thế giám đốc cũ. 

Từ sau khi tôi phụ trách, Học viện đã có sự chỉnh đốn hoạt ở tất cả các khâu theo đúng các quy định.

Cụ thể của những chỉnh đốn này là gì thưa ông?

- Những gì Học viện xác định là sai sót về quản lý, hành chính đã tiếp thu và làm cho đúng theo quy định. Thứ nhất, chương trình đào tạo đã được chúng tôi bổ sung. Thứ hai, người hướng dẫn không vượt số lượng cho phép. Những trường hợp đã phân công vượt số lượng trong giai đoạn trước thì chúng tôi không phân công thêm nữa. 

Thứ ba, người tham gia hội đồng đại đa số phải đúng chuyên ngành, trừ trường hợp cần thiết như đề tài mang tính liên ngành thì phải mời thêm chuyên gia ngoài ngành. Ngoài ra, về thủ tục hành chính trước đây chưa thực hiện nghiêm túc thì cũng phải được thực hiện nghiêm.

Không phải đã hết chỉ tiêu

Vậy còn việc năm 2017, Học viện chỉ có 86 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn nhưng vẫn đăng ký tới hơn 2.000 chỉ tiêu thì sao, thưa ông?

- Chỉ tiêu đào tạo của Học viện đăng ký với Bộ GD-ĐT theo từng năm. Tuy nhiên, ở đây có sự chưa rõ ràng trong cách xác định chỉ tiêu. Viện Hàn lâm KHXH là cơ quan đặc thù. 

Trước đây, toàn bộ Viện có tới 17 cơ sở đào tạo là các viện trực thuộc. Hiện nay, công tác đào tạo được thống nhất về Học viện KHXH. Như vậy, nếu nói là các giảng viên của Học viện thì phải bao gồm cả nhân lực của tất cả 17 viện này chứ không thể chỉ là những giảng viên cơ hữu của Học viện như cách xác định chỉ tiêu của Thanh tra Bộ GD-ĐT tại kết luận được.

Bên cạnh đó, ngay trong kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị với Học viện, Viện Hàn lâm cũng như Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ GD-ĐT về việc làm rõ cơ chế đặc thù của Học viện trong việc xác định giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên cơ hữu trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Từ trước đến nay, Học viện vẫn đào tạo mỗi năm 1.400 chỉ tiêu thạc sĩ và từ 350-400 chỉ tiêu tiến sĩ chứ không thể nói là hết chỉ tiêu được.

Vậy ông giải thích thế nào về việc nhiều người hướng dẫn không đúng chuyên ngành như tiến sĩ về kinh tế hướng dẫn NCS về quản lý giáo dục, hay giáo sư dân tộc học lại hướng dẫn NCS chuyên ngành nhân học?

- Ở đây đang có sự đánh giá không toàn diện. Chẳng hạn trường hợp của PGS. TS Lê Phước Minh là tiến sĩ kinh tế nhưng đồng thời cũng là Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, nghĩa là một nhà hoạt động thực tiễn, có hiểu biết và nghiên cứu về khoa học giáo dục. Vì vậy, việc ông Minh hướng dẫn một NCS ngành quản lý giáo dục thì không có gì là sai. 

Hay như việc tiến sĩ nhân học hướng dẫn NCS ngành dân tộc học thì không sai vì dân tộc học và nhân học đều là một, dù về hình thức câu chữ là khác nhau. Nếu thanh tra chỉ nghĩ về hình thức câu chữ thì hỏng hết nội dung khoa học.

{keywords}
Dư luận trước đó từng đặt ra nhiều nghi ngại với chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện KHXH Việt Nam. Ảnh: Lê Văn. 

Bên cạnh đó, xu hướng nghiên cứu hiện nay là liên ngành nên ở Học viện chấp nhận một chuyên ngành chính nhưng sẽ phải mời thêm các chuyên gia bên ngoài để có thể đánh giá toàn diện hơn. 

Chẳng hạn như mới đây có người bảo vệ đề tài "So sánh thuật ngữ sản khoa trong tiếng Anh và tiếng Việt". Tôi yêu cầu phải mời một bác sĩ học về sản khoa học ở nước ngoài thẩm định đề tài. Vì thuật ngữ phải có nội dung chuyên môn, chỉ thuần túy các nhà ngôn ngữ không thì không đáp ứng được.

Chất lượng luận văn không bị ảnh hưởng

Dư luận đang lo lắng rằng việc một người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều NCS và học viên tại học viện sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của luận văn, luận án. Ông giải thích thế nào về điều này?

- Nếu đánh giá chất lượng thì chúng ta sẽ dựa vào căn cứ nào. Thẩm định của hội đồng khoa học tại Học viện thì không có vấn đề gì. Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức thẩm định cũng không có vấn đề gì. 

Những luận văn, luận án mà dư luận vẫn bàn tán như "Hành vi nịnh trong tiếng Việt" hay "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã"… đều đã được Bộ GD-ĐT mời các chuyên gia thẩm định nội dung và các chuyên gia đều đánh giá tốt, đáp ứng được yêu cầu. 

KHXH và Nhân văn có đặc thù riêng, khó đòi hỏi phải có sản phẩm ngay. Xã hội cần có đánh giá khách quan chứ không thể nhìn bề ngoài.

Nhưng những sai phạm theo như kết luận của thanh tra là có như ông đã thừa nhận. Vậy các cá nhân, đơn vị liên quan tới sai phạm sẽ được xử lý như thế nào?

- Việc xử lý thế nào thì phải chờ ý kiến của cơ quan cấp trên sau khi có kết luận thanh tra. Quan trọng nhất là Học viện đã có những chỉnh đốn nghiêm túc trong tổ chức hoạt động, thay đổi toàn bộ các cán bộ làm công tác đào tạo của học viện.

Về phía học viên, đối với những người bảo vệ, hội đồng đã thông qua rồi thì nếu như các luận văn, luận án có vấn đề thì Học viện sẽ có quyết định thu bằng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có ý kiến nào cả. Đối với những người vẫn đang trong quá trình học, chưa bảo vệ thì như chúng tôi đã giải trình với Thanh tra Bộ GD-ĐT, Họ viện sẽ yêu cầu các học viên, NCS này học đầy đủ các học phần còn thiếu.

Xin cảm ơn ông!

Lê Văn thực hiện