- GS. Phan Huy Lê qua đời để lại một khoảng trống cho ngành sử học Việt Nam và là nỗi mất mát khó bù đắp với những người làm sử, với biết bao thế hệ học trò.
GS. Phan Huy Lê - người dẫn dắt giới sử học Việt Nam. Ảnh: Ngô Vương Anh |
“Không ra tận nơi thì viết sử về Trường Sa không đành lòng”
“Viết về lịch sử dân tộc có lẽ là niềm đam mê duy nhất và lớn nhất của thầy. Thầy vẫn nói sẽ làm việc đến lúc chết thì đúng là như vậy. Trước khi mất, hồi giữa tháng 5 vừa rồi, thầy vẫn ra thăm Trường Sa trong một chuyến đi 3 ngày”. GS. Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ như vậy với VietNamNet vào chiều thứ 7 khi hay tin GS Lê qua đời.
Nói về chuyến đi này, GS. Phạm Hồng Tung – Khoa Lịch sử (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhăn văn) kể lại:
“Trước khi thầy đi, học trò bọn mình có e ngại thầy tuổi cao sức yếu nên đã can ngăn. Nhưng thầy nói dứt khoát mình phải ra Trường Sa, không ra đến tận nơi thì viết sử về Trường Sa chưa đành lòng. Đi về, thầy vẫn còn rất phấn khởi về chuyến đi đó”.
GS Tung vẫn không quên được những khoảnh khắc đặc biệt của những người thầy trước khi từ giã cõi đời. Năm 2005, thầy Trần Quốc Vượng có nói "Tôi còn nợ sinh viên khoa sử 7 tiết". Còn thầy Lê đã hỏi con gái: “Bố quên chưa tắt máy tính à?” trước khi chìm vào hôn mê.
Tình yêu dành cho nghiên cứu sử học của GS. Phan Huy Lê những người trong giới đều biết. Có lẽ nỗi đau đáu lớn nhất của GS là chưa hoàn thành xong bộ Quốc sử mà ông được giao làm tổng chủ biên - một công trình có tới 300 người tham gia, dự kiến sẽ xong vào năm 2019 tới đây.
Đây cũng là công trình mà GS. Phan Huy Lê kỳ vọng sẽ lấp đầy những “khoảng trống” trước đây các nhà sử học chưa đề cập đến khi viết về lịch sử Việt Nam.
Giới học giả còn nhớ vào tháng 2/2017, bài thuyết trình khoa học Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức đã gây dư chấn khi những quan điểm tiến bộ được nêu ra.
Đó là những kiến giải mới về vai trò của triều đình nhà Nguyễn, là những đề xuất phải viết thật khách quan lịch sử của thực thể chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo, các sự kiện cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm…
GS Phan Huy Lê và GS Đinh Xuân Lâm tại một hội thảo về triều Nguyễn năm 2008. Ảnh: Ngô Vương Anh |
GS Phạm Hồng Tung chia sẻ, không chỉ riêng triều Nguyễn, GS Lê luôn muốn đưa một nhận thức trung thực, khách quan về tất cả các vấn đề của lịch sử Việt Nam:
“Không ai bào chữa cho những tội lỗi của của triều Nguyễn. Nhưng không vì thế mà phủ nhận những công lao rất lớn của triều đại này, ví dụ như việc hoàn chỉnh quá trình thống nhất đất nước, công lao trong việc biên soạn tài liệu mang tính chất quốc sử, đặc biệt công lao quản lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa. Một số chính thể khác trong lịch sử Việt Nam đều vừa có công vừa có tội. Chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, trung thực và phải bằng sử liệu, chứng cứ rõ ràng. Đó là điều thầy đã dạy chúng tôi".
Chia sẻ với VietNamNet, PGS Vũ Văn Quân (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) cho biết thêm:
"Với một nhà khoa học trí tuệ uyên bác và trách nhiệm như GS Phan Huy Lê thì công việc nghiên cứu khoa học và trách nhiệm xã hội không khi nào có điểm dừng, nói cách khác là không bao giờ “hết việc” cả. Tuy nhiên, ông cũng biết rất rõ quỹ thời gian không còn nhiều, nên khoảng chục năm nay ông cùng với giới sử học tập trung nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát tiển vùng đất Nam Bộ và đặc biệt là bộ Lịch sử Việt Nam. Kết quả Đề án khoa học “Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ” do ông làm Chủ nhiệm trở thành một trong mười sự kiện khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2011, gần đây được xuất bản thành bộ sách 11 tập. Với bộ Lịch sử Việt Nam, tuy chưa nghiệm thu và xuất bản, nhưng dưới sự chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện của ông, các quan điểm, phương pháp và nguyên tắc tiếp cận nghiên cứu, trình bày đã được xác lập, việc nghiên cứu biên soạn đã căn bản hoàn thành. Điều buồn nhất với tất cả những người tham gia công trình này là khi bộ sách được xuất bản thì người đóng vai trò then chốt trong toàn bộ quá trình chuẩn bị và tổ chức thực hiện nó đã không còn nữa".
Người dẫn dắt giới sử học
Đồng nghiệp và học trò đều nhìn nhận GS. Phan Huy Lê chính là người dẫn dắt giới sử học, dẫn dắt giới khoa học xã hội nhân văn giao kết, đối thoại với giới nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài. GS cũng là người có tầm nhìn xa về tương lai của nghiên cứu sử học Việt Nam ngay từ khi đất nước còn chưa mở cửa.
Ông Tung nhớ về một kỷ niệm sâu sắc với GS. Phan Huy Lê từ năm 1986.
Khi đến thăm, thầy hỏi: “Các cậu đang làm gì?”. Trò đáp: “Chúng em đang tập viết bài giảng để chuẩn bị lên lớp”. Thầy bảo: “Tập trung vào học ngoại ngữ ngay” và khuyên học tiếng Anh, bởi “trước sau gì chúng ta cũng phải đối thoại với thế giới bằng tiếng Anh các cậu ạ”.
Khi trò trả lời rằng đã học ở đại học thì thầy nói: “Tiếng Anh của cậu chỉ đủ để đọc tài liệu thôi. Sau này đối thoại với thế giới phải là tiếng Anh học thuật và cậu phải nói được tiếng Anh giỏi như người Anh, người Mỹ. Cho nên bây giờ các cậu phải đi học từ chữ đầu tiên. Khi nào học xong quay về đây, mình đưa cho cuốn sách của người nước ngoài viết tiếng Anh thì phải dịch ra xuất bản được, chứ mình không quan tâm các cậu có bằng gì”.
Với tầm nhìn xa và tư tưởng cởi mở như thế, GS. Phan Huy Lê là một trong số ít nhà sử học Việt Nam giao thiệp và kết nối với các trí thức ở nước ngoài.
GS Phan Huy Lê tại lễ trao danh hiệu của Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp năm 2017. Ảnh: Lê Văn |
Nhiều nhà nghiên cứu ở nước ngoài tìm đến Việt Nam trước hết sẽ tìm đến GS. Phan Huy Lê để tham vấn.
“Đi học ở nước ngoài, nhiều lúc bí, chúng tôi đều gọi về tra cứu “từ điển” Phan Huy Lê, kể cả là lúc nửa đêm. Ra nước ngoài, người ta biết mình là học trò Phan Huy Lê thì đều rất quý, vì người ta biết đó là một bậc thầy tử tế” – ông Tung chia sẻ.
Toàn bộ trước tác của GS. Phan Huy Lê được chia ra thành 4 mảng lớn gần tương đương nhau và đều ở mức rất cao (từ 104 đến 120 công trình). GS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học, học trò của GS Lê ngót 50 năm, nói rằng: “Trách nhiệm lớn nhất đặt ra cho GS Phan Huy Lê không phải là từng mảng lịch sử cụ thể mà là tổng kết lịch sử đất nước. Sự suy tôn vai trò dẫn dắt về học thuật của GS Phan Huy Lê trong suốt nửa thế kỷ là điều hiếm có”.
"Học mãi thầy mà không hết"
GS. Phan Huy Lê được nhiều thế hệ học trò kính trọng bởi sự lịch lãm trong cuộc sống thường ngày.
GS. Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ:
“Không chỉ với chúng tôi là học trò, mà với tất cả mọi người, bao giờ cụ cũng rất tôn trọng. Ở cụ có tinh thần nhân ái. Có lẽ là truyền thống lâu đời trong gia đình, dòng họ. Đó là điều hết sức đặc biệt ở thầy”.
Với GS. Phạm Quang Minh, ấn tượng của ông về sự ân tình, cởi mở của GS. Phan Huy Lê nằm ở những lần đến chơi với gia đình thầy.
“Tôi rất hay được thưởng thức món ăn truyền thống của gia đình thầy mỗi dịp sinh nhật thầy hay lễ tết. Đó là món bánh khúc rất đặc biệt. Bánh được đặt từ một gia đình chuyên làm bánh cho nhà thầy nhiều năm nay”.
Trong ấn tượng của các thế hệ học trò khoa Sử, những “bậc đại thụ” “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” đều có đặc điểm chung là dân dã, nhưng không bao giờ suồng sã mà luôn lịch lãm.
“Tôi viết bản thảo xong nhờ thầy góp ý, các thầy đều sửa cho từng dấu chấm, dấu phẩy. Các thầy không bao giờ chấp nhận sự cẩu thả trong công việc. Có lần khoa tiếp khách, tôi sửa soạn mấy cái cốc uống nước, để phát ra tiếng động to, thầy Vượng nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi, ấn khẽ một cái. Cái tinh hoa văn hoá ấy không những được chắt lọc mà có ý thức trao truyền cho hậu thế. Các thầy cũng từng phải đi sơ tán khổ lắm chứ, cũng phải đi lao động như người dân bình thường thôi, nhưng không phải vì thế mà mất đi cái chất tinh hoa trí thức. Đó cũng chính là cái àmà bây giờ nhiều người làm thầy bị thiếu. Học mãi các thầy không hết” - GS Tung bùi ngùi.
Nguyễn Thảo
GS Phan Huy Lê tiết lộ chuyện phát hiện bản thảo 112 năm ở thư viện Pháp
Giáo sư Phan Huy Lê lần đầu tiết lộ một cách chi tiết việc ông phát hiện ra bản thảo viết tay tác phẩm Lục Vân Tiên nằm trong thư viện của Pháp hơn một thế kỷ mà không ai biết.
Người phụ nữ phía sau GS Phan Huy Lê
Ngồi ở phía sau nhưng chốc chốc, bà lại dừng khỏi cuộc trò chuyện với người bên cạnh để dõi theo người chồng của mình. Hơn một lần, tôi thấy bà mỉm cười khi rời mắt đi.
Pháp vinh danh giáo sư Sử học Phan Huy Lê
Viện Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp sẽ trao danh hiệu vinh danh GS Phan Huy Lê vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội và những đóng góp cho công cuộc bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa của Việt Nam
Nghe GS Phan Huy Lê nói về nguy cơ môn lịch sử bị xóa bỏ
Luôn giải thích rằng không bao giờ bỏ môn lịch sử, nhưng trên thực tế, bằng cách xây dựng chương trình như hiện nay, tức là đưa môn lịch sử vào các môn tích hợp, không còn môn lịch sử. Điều đó, theo tôi là xóa bỏ môn lịch sử.