Mỗi quốc gia đều có cách riêng trong kiểm soát thông tin đến công chúng, đặc biệt là các thông tin liên quan đến đối ngoại và lợi ích quốc gia. Sẽ là bình thường nếu các thông tin đó được kiểm soát tốt và phục vụ đúng mục đích. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu những thông tin ấy nhằm phục vụ cho những mục đích sai lệch và ảnh hương đến lợi ích của người dân nói chung và đất nước nói riêng?
Vai trò của “Học thuật hóa”
“Học thuật hóa” là một khái niệm mới với ngay cả những người hoạt động trong ngành ngoại giao. Tuy nhiên quá trình ứng dụng kiến thức và các kết quả nghiên cứu vào hoạch định chính sách vẫn luôn là một quá trình không thể thiếu. Trong vấn đề biển Đông, có ba yếu tố chính, ba tác động chủ yếu ảnh hưởng đến việc áp dụng “học thuật hóa” như là một trong các cách tiếp cận chiến lược của Việt Nam.
Kinh nghiệm các cuộc đàm phán trên thế giới đã chứng minh, học thuật hay những sản phẩm phát minh và trao đổi từ các học giả góp phần rất nhiều vào việc thay đổi góc nhìn và cách tiếp cận của các bên. Quá trình đám phán cho một hiệp ước toàn cầu chống biến đổi khí hậu là một ví dụ. Sự nóng lên toàn cầu hầu như không phải là một vấn đề đáng chú ý đối với các quốc gia mãi cho đến cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Khi đó, các nhà khoa học với những công trình nghiên cứu chi tiết đã cảnh báo hiệu ứng nhà kính như là một nguy cơ tiềm tàng đối với thế giới.
Một số chính trị gia và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc lúc này đã trở nên quan tâm nhiều hơn tới vấn đề và các cuộc thảo luận nhằm thống nhất các cách thức làm làm nhẹ tác động của quá trình ấm lên toàn cấu được tiến hành. Kết quả là Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được thành lập năm 1988, một cơ quan gồm những nhà khoa học hàng đầu chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro về thay đổi khi hậu do con người gây, từ đó đưa ra những lời khuyên phù hợp cho những nhà hoạch định chính sách. Có thể thấy được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa một bên là khoa học và bên kia là các quá trình chính trị.
Stephen Walt, một trong những học giả nghiên cứu Quan hệ quốc tế kỳ cựu, cho rằng chỉ có những chuyên gia am tường về các lĩnh vực chuyên biệt mới có thể đưa ra được những phân tích đánh giá sâu sắc và chính xác nhất về các vấn đề liên quan, ví dụ như về môi trường, về thương mại, luật pháp hay an ninh quốc tế. Giới học giả sẽ giúp đánh giá một thông tin đưa ra là chính xác và khách quan hay không.
Mỗi một quốc gia đều có cách thức riêng trong việc kiểm soát thông tin đến công chúng, đặc biệt là các thông tin liên quan đến đối ngoại và lợi ích quốc gia. Sẽ là bình thường nếu các thông tin đó được kiểm soát tốt và phục vụ đúng mục đích. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu những thông tin ấy nhằm phục vụ cho những mục đích sai lệch và ảnh hương đến lợi ích của người dân nói chung và đất nước nói riêng? Giới học giả sẽ là người điều chỉnh và mang lại những thông tin chuẩn xác nhất nếu như chúng bị “cố tình” làm cho sai lệch.
Tại sao Việt Nam phải “học thuật hóa”
Theo tác giả Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) có ba yếu tố tác động khả năng áp dụng của chiến lược này vào thực tế chính sách đối ngoại trong bối cảnh hiện nay: (i) tương quan thực lực giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến cho chạy đua sức mạnh không phải là lựa chọn tối ưu; (ii) xu hướng “quốc tế hóa” biển Đông ngày càng được ủng hộ là một lợi thế quan trọng và (iii) lý lẽ chủ quyền và diễn giải luật biển của Việt Nam hợp lý hơn so với Trung Quốc.
Trước hết, nếu xét trên tương quan sức mạnh, thì Việt Nam khó có thể so sánh với Trung Quốc trên tất cả các phương diện từ tiềm lực kinh tế, quốc phòng đến tiềm lực con người.
Trung Quốc hiện tại là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với một tham vọng trở thành cường quốc hải dương cạnh tranh với Mỹ trong tương lai. Quá trình hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh đang tiến triển một cách nhanh chóng và khá toàn diện, mà biểu tượng là việc đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên trong năm 2012 vừa qua. Một “chiến lược phi đối xứng” về quân sự đã và đang được xây dựng trong trường hợp xấu nhất nếu có chiến tranh xảy ra, tuy nhiên chiến lược đó cũng chỉ tạo một lợi thế nhỏ của Việt Nam trên bàn đàm phán. Mục tiêu rõ ràng nhất của quá trình hiện đại hóa quân đội và lực lượng cảnh sát biển trong suốt thời gian qua không gì khác hơn ngoài răn đe ở mức độ nhất định và tăng cường khả năng thương lượng. Tác chiến “phi đối xứng” trên biển sẽ là một kinh nghiệm hoàn toàn mới với Việt Nam.
Thứ hai, cùng với một số nước trong ASEAN như Philippines và Indonesia, Việt Nam đã khá thành công trong việc đưa tranh chấp ra bàn luận công khai tại các diễn đàn an ninh và chính trị khu vực. “Quốc tế hóa” là giải pháp bị Trung Quốc phản đối rất quyết liệt, trong khi các nước khác – có hay không có liên quan đến tranh chấp – đếu ủng hộ một cách mạnh mẽ.
Quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề biển Đông khiến cho cán cân ngoại giao trở nên bất lợi hơn đối với Bắc Kinh, khi ngoài các nước tranh chấp chính còn xuất hiện những chủ thể khác như Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Độ. Khi đó, các vấn đề tranh chấp sẽ được các nước bản thảo và giải quyết thông qua những lập luận hay lý lẽ của riêng mình, dĩ nhiên là dựa trên các tiếp cận đa phương và luật pháp quốc tế.
Có thể thấy, đây chính là mảnh đất màu mỡ để “học thuật hóa” và “ngoại giao học thuật” phát huy lợi thế. Trung Quốc thường nói luật pháp quốc tế sẽ phân định các khu vực tranh chấp dựa trên chứng cứ, và trong trường hợp không có đầy đủ chứng cứ thì biện pháp hiệu quả nhất tiếp theo sẽ dựa trên việc ai là người “quản lý thực tế” các khu vực đó.
Các hành động gây hấn trong thời gian gần đây của Bắc Kinh rõ ràng là những cố gắng nhằm xác lập những quyền “quản lý thưc tế” ấy tại các khu vực tranh chấp. Chứng minh và tranh luận rằng “quản lý thực tế” không phải chỉ đơn thuần là đưa thật nhiều tàu ra chiếm giữ hay đánh bắt thật nhiều cá như quan niệm của Trung Quốc, mà còn phải dựa vào lịch sử, chứng cứ lý lẽ, lập luận và luật pháp quốc tế sẽ chính là nhiệm vụ của các học giả cũng như của “học thuật hóa”.
Một lợi thế nữa để tăng cường “học thuật hóa” chính là sự hợp lý hơn về lý lẽ chủ quyền cũng như về cách diễn giải luật biển quốc tế của Việt Nam.
Các chứng cứ chủ quyền của Việt Nam được các tài liệu, bản đồ trong và ngoài nước xác nhận và chứng minh một cách rõ ràng về tiến trình và lịch sử xác quyết chủ quyền. Trong khi đó những tài liệu từ phía Trung Quốc không thể hiện một lộ trình như vậy. Rõ ràng, sự yếu thế về mặt chứng cứ lịch sử là lý do chính khiến Bắc Kinh cương quyết phủ định giải pháp đưa tranh chấp ra Tòa án Quốc tế hay Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc dựa vào hai luận điểm chính để bảo vệ cho các lý lẽ của mình. Một là khái niệm về vùng nước lịch sử, khái niệm nền tảng để Trung Quốc hợp pháp hóa cho “đường lưỡi bò” của mình.
Thứ hai là quan điểm “nối chủ quyền” dựa vào các diễn giải từ Luật biển quốc tế UNCLOS. Một trong những diễn giải khả dĩ về các yêu sách 80% biển Đông dựa trên việc công nhận tư cách pháp lý đảo của các hòn đảo tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Theo đó, tất cả đảo, đá và quần đảo của Trung Quốc đều có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế EEZ mà không phân biệt đảo, đá đó phù hợp quy định chế độ đảo của UNCLOS hay không. Những luận điểm này bị đánh giá là thiếu tính thuyết phục và thể hiện “tham vọng” chiếm cứ biển Đông.
Có thể thấy, thông qua phân tích ba yếu tố tác động kể trên, thì việc khởi động chiến lược “học thuật hóa” trong thời điểm hiện tại là thật sự cần thiết. “Học thuật hóa” tốn ít chi phí, chịu rủi ro ít và mang lại nhiều thuận lợi hơn về mặt tuyên truyền. Các xu hướng ngoại giao đa phương và quốc tế hóa biển Đông với nhiều thành công đạt được trong những năm qua đã khẳng định sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với tranh chấp biển Đông. Đa phương hóa cũng đã nhấn mạnh đến lợi ích của việc giải quyết tranh chấp này theo xu hướng thương lượng, hạn chế việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự và đẩy Bắc Kinh vào những cách chọn lựa có lợi cho Việt Nam.
Vậy Việt Nam đã và đang tiến hành những bước đi nào để khẳng định vai trò của “hoc thuật hóa” như một phương thức ngoại giao kênh 2 phi truyền thống? Ngoại giao kênh 2 với những phương thức độc đáo đã trở thành một trong những “mũi tiến công” quan trọng trong tổng thể chiến lược bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Kỳ 2: Tranh chấp biển Đông: Lí lẽ cho niềm tin
Nguyễn Thế Phương (IRYS)