Lời tòa soạn:
Học thêm đang trở thành một áp lực vô hình và khó tránh với nhiều gia đình. VietNamNet mở diễn đàn Sức ép học thêm với mong muốn cùng độc giả ghi nhận và thảo luận sâu về câu chuyện này.
Chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ từ các phụ huynh, giáo viên, học sinh và các nhà quản lý giáo dục về những trải nghiệm thực tế, những bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp mới cho một vấn đề đang được xã hội rất quan tâm này.
Bài viết dưới đây là góc nhìn của một giáo viên Ngữ văn tại Nghệ An.
Dạy thêm, học thêm là một trong những vấn đề nóng trong giáo dục nước ta hiện nay. Trước hết, cần hiểu rằng dạy học thêm là hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa, thường nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, nâng cao kỹ năng hoặc trực tiếp chuẩn bị cho các kỳ thi. Hoạt động này có thể được tổ chức ở trường học, tại nhà hoặc trung tâm giáo dục.
Về bản chất, hoạt động dạy học thêm bắt nguồn từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh và có thể tác động tích cực đến chất lượng dạy học.
Thực tế, sĩ số một lớp học ở trường phổ thông thường 40-50 học sinh, với mục tiêu và khả năng học tập không giống nhau. Việc học thêm ngoài nhà trường với quy mô lớp nhỏ hơn, thậm chí kèm riêng 1:1 sẽ đáp ứng nhu cầu được học tập theo lộ trình phù hợp với năng lực cá nhân và hướng tới mục tiêu cụ thể của từng em.
Mặt khác, sự kỳ vọng của phụ huynh và áp lực điểm số, thi cử cũng là nhân tố tác động đến việc tăng sức ép học thêm lên học sinh. Nếu không đi học thêm, học sinh, phụ huynh lo sợ bị điểm thấp, không vào được trường mơ ước, không có cơ hội trong tương lai. Thầy cô giáo cũng chịu áp lực không nhỏ từ việc đánh giá, xếp loại giáo viên dựa trên kết quả các kỳ thi.
Kết quả là lịch học của nhiều em quá dày, không còn thời gian cho việc thư giãn, giao lưu kết bạn, trải nghiệm cuộc sống, thể dục thể thao, chăm lo sức khỏe. Đặc biệt, cơ hội để các em cảm nhận niềm vui học tập và trau dồi kỹ năng tự học bị triệt tiêu.
Thời gian đi học quá nhiều, áp lực bài vở lớn có thể khiến học sinh quá tải, dần dần mất động lực học tập, thậm chí dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Chi phí cho việc học thêm của con cái cũng là nỗi lo với nhiều gia đình có mức thu nhập trung bình và thấp.
Từ phía giáo viên, không thể phủ nhận việc dạy thêm giúp thầy cô tăng thu nhập, thậm chí, có người khoản này còn cao hơn lương chính. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là với giáo viên, việc dạy thêm chỉ có tác động tích cực.
Các thầy cô phải dành nhiều thời gian và công sức để soạn bài, giảng dạy, chấm chữa bài và hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình học. Các ca dạy thêm thường diễn ra vào buổi tối hoặc cuối tuần nên thầy cô không còn nhiều thời gian cho bản thân và gia đình.
Thoạt nhìn, sẽ có người cho rằng dạy thêm có thể giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn. Thực tế không phải như vậy. Đa phần các buổi dạy thêm thiên về luyện thi, hướng tới cải thiện điểm số chứ không phải phát triển phẩm chất, năng lực học sinh toàn diện. Do đó, năng lực chuyên môn toàn diện của giáo viên cũng không có nhiều cơ hội phát triển khi dạy thêm.
Khi dạy thêm kín lịch, thầy cô không còn quỹ thời gian để phát triển bản thân, học hỏi và đào sâu kiến thức, đặc biệt là nâng cao năng lực sử dụng các phương pháp dạy học mới để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Điều này tạo ra một rào cản không nhỏ trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay.
Chương trình 2018 được kì vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc chấm dứt tình trạng dạy học thêm tràn lan vì đây là chương trình hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực chứ không còn chú trọng cung cấp kiến thức. Sau 6 năm thực hiện, không thể phủ nhận chương trình 2018 đã góp phần thay đổi tích cực nền giáo dục đất nước. Tuy nhiên, để không sa lầy vào cuộc chạy đua dạy học thêm, học sinh, phụ huynh và giáo viên cần chủ động thay đổi.
Từ phía phụ huynh, cần cùng con xây dựng mục tiêu phù hợp và thay vì kỳ vọng quá lớn, hãy đồng hành và khích lệ, động viên con. Kết quả học tập của các con không phải từ việc con đi học ở những đâu, học với thầy cô bao nhiêu thời gian mà là ở khả năng lĩnh hội và vận dụng kiến thức, trau dồi kỹ năng. Do đó, bố mẹ không nên để con học thêm tràn lan mà cần chủ động lựa chọn môn học, số buổi học sao cho vừa sức với con. Ngoài thời gian con đến lớp, bố mẹ cần tạo môi trường học tập tại nhà và trao cho con cơ hội được tự học.
Về phía giáo viên, điều khó nhất chính là đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Mục tiêu cao nhất của việc dạy học chính là dạy cách học. Tuy nhiên, khi toàn bộ giáo viên hiện nay đều là sản phẩm của chương trình giáo dục cũ, các khóa tập huấn dành cho giáo viên còn nặng về lý thuyết thì đổi mới phương pháp dạy học vẫn là điều không phải có thể làm trong một sớm một chiều.
Với học sinh, các em cần chủ động, tích cực trong quá trình học tập. Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin tạo điều kiện cho học sinh tự tìm tòi khám phá kho tàng tri thức khổng lồ, không giới hạn. Cơ hội học tập trong thời hiện đại là vô tận, nếu có phương pháp tự học, các em sẽ tự tin học tập và làm mới mình suốt đời.
Độc giả Thanh Giang (Giáo viên THPT tại Nghệ An)
Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email:
[email protected]. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!
Con đứng nhất lớp, học thêm tốn gấp 10 lần học chính, mẹ vẫn lo bị tụt phía sauKhi thấy những đứa trẻ học thêm tối ngày, nhiều người chỉ trích bố mẹ đặt quá nhiều áp lực mà không biết chúng tôi đang vừa phải gồng gánh kiếm tiền nuôi dạy, vừa 'cân' sức khỏe tinh thần, thể chất và lối vào tương lai của con.
Một giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Linh, TPHCM bị 'bóc phốt' ép học sinh học thêm trên mạng xã hội.
Liên quan việc Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về việc dạy thêm, học thêm; một số ý kiến băn khoăn rằng chương trình phổ thông 2018 được giới thiệu với nhiều đổi mới và ưu việt, tại sao học sinh vẫn cần học thêm.