- Ở những buổi thảo luận mà tôi từng được tham gia. Những người được tôn trọng nhất thường lại là người có kiến thức sâu, có trải nghiệm và cảm xúc mãnh liệt về nơi chốn và cộng đồng mà họ sống.
Khi đọc bài báo em Nguyễn Việt Hùng, học sinh trường xiếc Việt Nam cùng mẹ tố cáo thầy giáo bạo hành trong nhiều năm trên báo Gia đình, nhìn cậu bé học sinh trường xiếc rơi nước mắt với vệt sẹo dài trên trán, bao ký ức tuổi thơ của tôi bỗng ùa về.
Tôi cũng học một ngôi trường nghệ thuật ở nội trú từ nhỏ. Trường tôi học không có chuyện bạo hành học sinh, thực tế tôi còn được cô giáo hết lòng thương xót, che chở. Vì tôi là đứa con côi của đồng nghiệp đã mất của họ, cũng là hàng xóm.
Thế nhưng mỗi khi nghĩ về tuổi thơ của mình, ở đâu đó trong tâm hồn tôi vẫn có những phần trống hoác.
Em Nguyễn Việt Hùng và mẹ. Ảnh: Gia đình |
Khi tôi học đại học, trường tôi ngay cạnh trường xiếc. Tôi bắt gặp lại những trống hoác ấy ở những em học sinh xiếc. Thường học sinh xiếc và múa được tuyển từ rất sớm khi cơ thể đang mềm dẻo. Xiếc là một nghề gian khổ, nguy hiểm và thu nhập không cao. Mỗi nghệ sĩ chỉ có vài tiết mục diễn cả đời.
Hầu hết các gia đình khá giả hoặc tầm trung lưu ngay trong ý nghĩ cũng không bao giờ chọn nghiệp xiếc cho con theo đuổi. Nhiều năm, các giáo viên trường xiếc phải về những vùng xa tuyển sinh. Có giáo viên từng nói giờ chỉ tuyển được con nhà nghèo vì họ muốn gửi con đi cho đỡ gánh nặng, vì vào các trường năng khiếu được bao cấp. Điều đó có thể không phải 100%, nhưng thực tế.
Đam mê lý tưởng là mỹ từ, ít nhất với tôi. Tôi đăng ký thi tuyển sau vài lần bị cô giáo phổ thông đuổi học vì không đóng học phí, và tôi biết trường nghệ thuật được bao cấp. Chỉ vậy!
Sau này ngồi viết lại cuốn truyện về tuổi thơ, tôi vẫn nhớ nguyên cảm xúc khi ôm cặp sách lê bước khỏi trường, suốt mấy ngày tôi đến ngồi bên hồ nước. Đói, khát, nóng nực… cứ ngồi vậy đến hết giờ.
Đó là tôi, cũng như các em không có nhiều lựa chọn.
Nhưng ngược lại giờ đây ngày càng có nhiều đứa trẻ được/bị tách ra khỏi gia đình sớm có quá nhiều lựa chọn. Cha mẹ chúng – những người giàu có và địa vị cao – gửi con em mình đến các nước phát triển hơn, vào ở nội trú ở các trường học đắt tiền, với niềm tin mãnh liệt rằng họ đang làm điều tốt nhất cho con mình.
Du học sớm để con tách khỏi đường phố bẩn bụi, thực phẩm bẩn, để có nền tảng học vấn tốt… chắc chắn là những phép tính rất tốt. Chỉ có một thứ chưa được tính đến, đó là cảm xúc và phần tâm hồn trẻ, những thứ không nơi phát triển nào, bằng cấp nào lấp đầy – (ít nhất, đó là suy nghĩ của tôi).
Tôi đã gặp những đứa trẻ thiếu niên linh lợi đẹp đẽ, bỗng trở nên ngơ ngác u sầu, thân hình ục ịch chỉ sau một thời gian được gửi ra nước ngoài học. Tôi gặp những đứa trẻ hoàn toàn không biết chút gì về văn hoá – đời sống Việt, xa lạ hoàn toàn với không chỉ với những thứ như dân ca, hò vè… đã đành, ngay cả không gian văn hoá hiện tại cũng không hiểu, hoặc cố tình lờ đi, hoặc cha mẹ cố tình muốn xoá đi.
Ở những buổi thảo luận mà tôi từng được tham gia. Những người được tôn trọng nhất thường lại là người có kiến thức sâu, có trải nghiệm và cảm xúc mãnh liệt về nơi chốn và cộng đồng mà họ sống. Theo nghĩa bạn là người Việt thì bạn cần phân tích sâu sắc thuyết phục về niềm tin, cách hành xử của người Việt, cách xã hội Việt vận hành… và càng tuyệt vời hơn nếu bạn biết một vài dấu ấn văn hoá của cộng đồng ấy.
Giống như một dạng danh tính (identity) của bạn. Nếu không, bạn chẳng là ai cả. Chả phải Anh, chả phải Mỹ, chả phải Ý.. cũng chả phải Việt.
Những đứa trẻ bị tách ra sớm cũng bị rơi vào tình trạng đó. Những đứa trẻ trường xiếc (chưa nói những chuyện bị bạo hành này khác) đã trống hoác cả một tuổi thơ với những bữa cơm chiều bên gia đình. Những bài học làm đàn ông từ cha, bài học làm phụ nữ từ mẹ. Trong những ngăn tủ ký ức chỉ là quãng đường từ ký túc xá đến lớp học. Những buổi tập luyện kéo dài từ năm này tháng khác, những bữa cơm cangtin tẻ ngắt, những trận ốm đắp chăn một mình, trông chờ vào sự quan tâm vội vã của bạn; chưa nói đến vô số rủi ro cay đắng đôi khi quá sức chịu đựng một đứa trẻ.
Và một hộp kiến thức rỗng về đời sống, xã hội và kiến thức khác; rất khó để tìm cơ hội thay thế khi rời sàn tập.
Những đứa trẻ ở tầng lớp cao, lại chơi vơi đi tìm cho mình một danh tính. Họ là khách ở nơi học, không hẳn là Tây, nhưng về nhà lại xa lạ ngay với cha mẹ mình, không gian của mình. Nhiều người lại mất rất nhiều thời gian để học lại, hoặc thất vọng.
Tự lập trong một hoàn cảnh nào đó là một từ khác của bơ vơ.
Tôi không có ý kì thị trường nội trú, tôi cũng ngưỡng mộ những bậc cha mẹ giàu có và dũng cảm có thể gửi con đi du học từ nhỏ; nhưng tôi luôn tin sẽ là tốt nhất nếu những đứa trẻ trường xiếc sáng được cha mẹ đưa đến trường, tập luyện bằng đam mê, chiều về ấm áp bên gia đình.
Những đứa trẻ giàu có được học trường tốt nhất VN, nhưng chúng vẫn cảm nhận đầy đủ đời sống xã hội Việt bên ngoài cổng trường, phủ đầy tâm hồn với tình cảm gia đình, học những bài học làm người quý giá từ cha mẹ, những người thầy đầu tiên và tốt nhất, đến lúc cứng cáp, sẵn sàng cho cuộc sống.
Con tôi không rời nhà trước 18 tuổi, vì tôi suy nghĩ thế.
Hoàng Hường
Nóng rẫy trên các diễn đàn làm cha mẹ là những tranh cãi xoay quanh việc có nên áp dụng phương pháp giáo dục kỷ luật sắt, thậm chí đến mức hà khắc cho con em chúng ta hay không?
Những rủi ro lớn nhất cho môi trường học tập của con cái hầu hết đến từ sự lựa chọn của mẹ cha, khi họ gửi con vào những ngôi trường mà chi phí vượt quá khả năng chi trả lâu dài của bản thân.
Bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình hạnh phúc. Song, họ dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc của bản thân hơn là hạnh phúc của con trẻ.
Chung quy lại do học sinh của chúng ta được nuông chiều quá mức, không được chuẩn bị từ ở nhà trước khi du học.
Trường trung học của con tôi với lịch sử 112 năm luôn đào tạo được nhiều học sinh có đủ kỹ năng để tự tin sống tốt trong các hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống.