Nhà của Nguyễn Kim Ngân ở Bình Dương. Kết thúc bậc trung học cơ sở, Ngân lên TPHCM theo học cấp 3 tại Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông (thuộc hệ thống Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến) - một ngôi trường tư thục có tiếng ở thành phố.
Xa nhà, trong những năm đầu, Ngân đều đặn về thăm bố mẹ 2 tuần 1 lần. Lên lớp 12, vì chương trình học cũng như ôn tập nhiều hơn nên mỗi tháng, Ngân về thăm nhà 1 lần. Có những tháng cô không về được, gia đình lại thu xếp lên gặp.
Ngân ở trong khu nội trú của trường, không dùng điện thoại hay mạng xã hội. Vì vậy, thời gian của cô dường như chỉ dành cho việc học.
Chia sẻ về cách học, Ngân cho biết 2 môn Toán, Lý chỉ cần thuần thục sách giáo khoa, có thời gian thì làm thêm bài tập và các đề ôn luyện, hệ thống lại kiến thức cũng như nắm vững các công thức, định luật. Với môn Tiếng Anh, Ngân ôn luyện kỹ hơn, dự thi chứng chỉ quốc tế để được quy đổi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp. Do có IELTS 6.5, nữ sinh được quy đổi 10 điểm trong xét tuyển đại học.
Ngân lựa chọn Kỹ thuật y sinh dù biết đây là ngành học khó, nhưng cô muốn sau này được làm những công việc liên quan đến thiết bị y tế.
“Ba em làm nông dân, mẹ là nội trợ nhưng đều có suy nghĩ rất thoáng. Ba bảo thích gì thì cứ chọn, có được học ngành yêu thích con mới cảm thấy hạnh phúc” - cô nói.
Ngoài Kim Ngân, Trường Đại học Quốc tế còn có thêm một thủ khoa đầu vào theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Đó là Ngô Gia Phong, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Quang Trung (Bình Phước). Với điểm trúng tuyển 1.056/1200, Ngô Gia Phong là tân sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Trong lễ khai giảng sáng nay (4/10), ông Lê Văn Thăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - chia sẻ với các tân sinh viên rằng trên chặng đường học tập, đại học không phải là điểm bắt đầu hay cuối cùng, nhưng là sự khởi đầu cho một hành trình mới.
"Mỗi sinh viên đều có hành trình riêng của mình, vậy nên các em hãy tập trung vào mục tiêu cá nhân, phát triển bản thân và không so sánh với người khác. Tuổi trẻ và thanh xuân chỉ có một lần trong đời, các em đừng bỏ phí mà hãy sống hết mình”- ông Thăng nói.
Vị hiệu trưởng này cũng khuyên sinh viên đừng chờ đợi điều gì dễ dàng mà hãy vượt lên những khuôn mẫu, định kiến để kiến tạo thế giới theo cách riêng của mình. Mỗi sinh viên phải luôn nhớ bản thân là những cá nhân đặc biệt, tự hào về sự khác biệt của bản thân, mở lòng tiếp nhận và học hỏi từ những nền văn hóa khác. Đây là cách để các em phát triển và trở thành những công dân toàn cầu có trách nhiệm.