Trong chương trình giáo dục tài chính “Khéo khôn với tiền” do Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, các học sinh của Trường Tiểu học Archimedes Academy lần đầu tiên được giới thiệu về các kiến thức liên quan đến đồng tiền, cách thức chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và đầu tư. Bên cạnh đó, các em cũng được tìm hiểu lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều này khiến Vũ Anh Huy (học sinh lớp 2) vô cùng hào hứng. Huy cho biết trước đây em luôn thắc mắc: “Tại sao chúng ta không in thật nhiều tiền để được chi tiêu thoải mái?”. Tuy nhiên, đến hiện tại em hiểu rằng nếu càng in nhiều, đồng tiền sẽ càng mất đi giá trị.
“Đây là những kiến thức rất thú vị mà trước đó em chưa từng được giảng dạy. Thông qua chương trình, em đã hiểu thêm giá trị của đồng tiền, biết cách chi tiêu tiền và tiết kiệm tiền cho tương lai sau này”.
“Khéo khôn với tiền” là chương trình nhằm truyền thông giáo dục tài chính cho người dân, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
“Việc truyền thông giáo dục tài chính cho người dân là xu hướng của các nước trên thế giới nhằm tăng cường hiểu biết về tài chính cho người dân. Điều này sẽ làm thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng”, bà Lê Việt Hương, Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước nói.
Việc trang bị các kiến thức về tài chính ngân hàng cho học sinh hiện nay là rất cần thiết, góp phần chuẩn bị hành trang, giúp các em biết cách tránh được các rủi ro lừa đảo về tài chính. Ngoài ra, khi hiểu được lịch sử đồng tiền Việt Nam, giá trị của tiền, giá trị của sức lao động, các em sẽ biết chi tiêu hợp lý và sử dụng tiền thông minh nhất.
Tại các trường học, việc giáo dục sớm về tài chính cũng được lồng ghép ở nhiều môn học và các hoạt động ngoại khóa. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Archimedes Academy, cho biết nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động như hội chợ nhằm giúp học sinh làm quen với hoạt động mua bán, trao đổi, từ đó hiểu rõ hơn về tiền.
Ngoài ra, trong một số học liệu cũng sử dụng hình ảnh, câu chuyện để giúp học sinh nhận thấy vấn đề tài chính không còn xa vời mà rất thiết thực, gần gũi.
Tuy nhiên, theo bà Chi, đây là lần đầu tiên học sinh được giới thiệu để hiểu rõ hơn về sự ra đời của tiền tệ, cách phân biệt các loại thẻ cũng như làm quen về việc quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là với các bạn học sinh tiểu học.
Việc cho trẻ làm quen với tiền nên được thực hiện từ sớm, thậm chí ngay từ lớp 1 để giúp trẻ hình thành những thói quen tốt như chi tiêu hợp lý, biết tiết kiệm, đầu tư và quý trọng giá trị sức lao động…
“Thông qua đó, trẻ sẽ có các kỹ năng về cách quản lý tiền bạc và tài sản cá nhân, biết ra quyết định thông minh và thực hiện kế hoạch nghiêm túc”.