- Trước thềm năm học mới, nhiều học sinh tỏ ra háo hức với ngày khai giảng song hầu hết cũng chia sẻ nên bớt hình thức hay phần phát biểu của các đại biểu mà dành thời gian cho các em được vui chơi.
Tựu trường sớm có làm mất "hương vị” của ngày khai giảng?
Nói về ngày khai giảng, bác Nguyễn Văn Phàn, có cháu học tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) cho rằng điểm khác biệt rõ rệt nhất với ngày trước là giờ đây, trong buổi khai giảng học sinh được mặc đồng phục đẹp hơn thay vì có thế nào mặc thế đó. Trường lớp cũng khang trang hơn rất nhiều.
Nhiều năm đưa các cháu đến trường trong ngày khai giảng, bác Phàn ấn tượng nhất với hình ảnh học sinh mới lớp 1 bỡ ngỡ đến trường cùng phụ huynh. “Có cháu thấy nhiều bạn mà vui cười, cháu thì thấy lạ lẫm, thậm chí bật khóc. Nhưng với tất cả thì đó là thời khắc quan trọng nhất để các cháu bắt đầu bước vào một chặng đường mới”.
Vị phụ huynh này cho rằng việc tựu trường trước không ảnh hưởng quá nhiều đến cảm xúc của trẻ ngày khai giảng. “Tôi nghĩ cái nào ra cái đó. Tựu trường là thời gian các cháu đến làm quen lại trường lớp, ôn lại kiến thức cũ và làm quen với một vài kiến thức mới. Như vậy, đến khi vào năm học mới các cháu đã có hành trang, không bị động mà còn nề nếp hơn. Còn ngày khai giảng, tôi nghĩ vẫn hồi hộp, háo hức đối với cả học sinh và phụ huynh bởi việc bước vào năm học mới của con là điều khác hẳn”.
Vũ Phương Nhung (học sinh lớp 9 ở Hà Nội) bày tỏ em đơn giản chỉ thích được gặp lại bạn bè và thầy cô.
“Khai giảng quá lâu thì sẽ rất mệt và nóng. Em mong là trường sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động văn nghệ hơn”.
Nhung cho rằng em không thích tựu trường trước khai giảng. “Bởi nếu gặp các bạn bè trước thì ngày khai giảng sẽ không còn cảm xúc bồi hồi, rạo rực vốn có”.
Còn Võ Mai Trang (học sinh lớp 9 một trường THCS tại quận Thanh Xuân) lại không nghĩ việc tựu trường trước sẽ làm ảnh hưởng đến cảm xúc trong ngày khai giảng. “Bởi như vậy thì mình được gặp các bạn sớm hơn và em thấy vui hơn vì điều đó. Còn ở nhà nghỉ hè mãi thì cũng không vui bằng khi được gặp mặt các bạn ở trường”.
Trang thích nhất lễ khai giảng bởi em được mang lên mình chiếc áo dài trắng tinh khôi.
Khai giảng hãy là ngày vui
Nhiều học sinh nhắc đến sự không hài lòng, không thoải mái, thậm chí cảm thấy khổ sở vì phải ngồi dưới nắng quá lâu với buổi lễ nặng hình thức và kéo dài.
Phạm Quỳnh Anh (lớp 10 Trường THPT Đào Duy Từ) cho rằng em không thích những buổi lễ khai giảng vốn dành cho các nhân vật chính là học sinh lại mang nặng tính hình thức và quá nhiều bài phát biểu, dễ gây nhàm chán.
“Em thích được xem các tiết mục văn nghệ hay chơi nhiều trò chơi trong ngày khai giảng. Hy vọng năm đầu tiên vào trường cấp 3, em sẽ có một buổi khai giảng ý nghĩa, các đại biểu phát biểu ngắn đi để học sinh thêm thời gian vui chơi, phấn khởi hơn”.
Em Nguyễn Vĩnh Thông (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, Hà Nội) cũng chia sẻ em thích nhất phần văn nghệ của buổi lễ này.
Thông kể em từng trải qua những lễ khai giảng phải ngồi lâu dưới nắng và hy vọng buổi lễ năm nay sẽ diễn ra nhanh và gọn hơn.
Còn Hà Trang (lớp 5 Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung) thì mong trường sẽ có thêm các tiết mục nhảy múa, kéo co hoặc các trò chơi dân gian khác.
Em Dương Duy Anh (lớp 6 Trường THCS Việt Nam – Angieri) thích nhất việc được gặp thầy cô và bạn bè mới và chia sẻ không thoải mái vì phải đứng ở sân trường trong lễ khai giảng khi trời nắng nóng.
Em Trần Trí Dũng (lớp 5, Trường Tiểu học Phan Đình Giót) thì đặc biệt ấn tượng khoảnh khắc và hình ảnh cô hiệu trưởng đánh những hồi trống to khai giảng năm học mới. “Em cũng mong có nhiều tiết mục văn nghệ hơn, gặp được nhiều thầy cô và các bạn mới hơn”.
Chị Nguyễn Thị Dung, phụ huynh quận Đống Đa chia sẻ, khai giảng ngày xưa, học sinh không có đồng phục để mặc đồng đều nên không được đẹp và rực rỡ như ngày nay.
“Hình ảnh các anh chị lớp lớn dẫn các em lớp 1 lần đầu tiên đi qua lễ đài thực sự khiến mình cảm thấy xúc động, cảm nhận được việc các bé lớp 1 nhận được sự dìu dắt của thầy cô, học sinh khóa trước khi các con bước vào môi trường mới”.
Chị Lê Thị Tâm, phụ huynh học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thanh Xuân Trung cho rằng giờ đây rõ ràng điều kiện của các con tốt hơn, bố mẹ cũng có thời gian đưa con đi khai giảng. “Đi vào trường, nhìn những buổi lễ khai giảng, thấy các giáo viên mặc áo dài, các con thì xúng xính quần áo mới, trên vai mỗi cháu còn một chiếc khăn quàng hoặc quả bóng bay trên tay trông rất vui, tràn đầy hứng khởi”.
Chị Tâm ấn tượng nhất là với tiếng hát, tiếng trống tưng bừng hay các lớp xếp thành hàng dài thẳng tắp, ngay ngắn và đẹp mắt.
Chị Tâm hy vọng ngày khai giảng tới đây, các con của mình sẽ có những bức hình đẹp cùng các thầy cô để lưu lại kỷ niệm về sau này.
Thanh Hùng - Yên Du