Tại Ngày hội Toán học mở (MOD) do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức hôm nay (29/11), các học sinh, sinh viên đã được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến Toán học và Khoa học.
Tại đây, các em được quan sát các thí nghiệm vui như “Bong bóng xà phòng biết làm Toán”, “Cây kim biết tính số Pi”; làm ra các tên lửa khí; lập trình máy cắt, khắc bằng laze để tạo ra những hình khối;….
Học sinh học toán thông qua các trò chơi
Cùng gần 600 học sinh của Trường THPT Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) tới Trường ĐH Khoa học Tự nhiên để tham gia vào các trải nghiệm thực tế liên quan đến toán học, Nghiêm Minh Kiên tỏ ra háo hức.
“Ở lớp, mỗi tuần em được học 8 tiết Toán. Các thầy cô đều giảng rất kỹ càng phần lý thuyết, giúp em có đủ kiến thức và kỹ năng để vượt qua những yêu cầu của các kỳ thi. Tuy nhiên, cũng vì thế chúng em ít có cơ hội được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm. Khi được chứng kiến những thí nghiệm vui, có những thứ em không thể ngờ rằng Toán học cũng có thể ứng dụng được vào như thế”, Kiên nói.
Cùng khối với Kiên, Hoàng Minh Hiệp cũng tỏ ra thích thú khi được tham gia vào các trò chơi toán học.
“Ở trường phổ thông, chúng em được dạy rất nhiều kỹ thuật giải toán, nhưng hầu như không biết áp dụng chúng ra sao trong một bài toán thực tế. Khi được ứng dụng Toán học vào các hoạt động trải nghiệm, em thấy môn Toán thực sự gần gũi”, Hiệp nói.
Bản thân cậu từng cảm thấy môn Toán thật nhàm chán khi phải học một khối lượng kiến thức “khổng lồ, khó nhớ”, sau đó lại phải tìm cách ứng dụng chúng để giải từng bài toán khác nhau.
“Điều này khiến em rất nhanh quên và dần cảm thấy không còn muốn học. Nhưng khi tham gia vào các trải nghiệm thực tế, em thấy môn Toán không khô khan như mình vẫn nghĩ mà rất thú vị. Do vậy, em mong muốn môn Toán tại trường phổ thông sẽ được dạy thực tế hơn”, Hiệp nói.
Tham gia vào những thí nghiệm vui
Học thông qua các trò chơi
Dùng bong bóng xà phòng để thực hiện một thí nghiệm vui về toán học, Lê Thuý Quỳnh, sinh viên năm thứ 2, ngành Toán – Tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) khiến người xem thích thú khi “môn Toán có thể ứng dụng vào mọi thứ ở quanh ta”.
Quỳnh cho biết, thời còn học phổ thông ở Quảng Ninh, bản thân cô cũng thấy môn Toán khá khô khan và thiếu thực tế. Cho đến khi được tham gia vào một tiết thực hành đo chiều cao của một cái cây ngoài trời, Quỳnh cùng các bạn đã được giáo viên hướng dẫn cách đo chính xác. Điều đó khiến nữ sinh cảm thấy môn Toán vô cùng thực tế, thú vị và khiến cô nhớ mãi.
Điều đó cũng khiến nữ sinh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về việc ứng dụng toán học vào thực tiễn và quyết định thi vào ngành Toán – Tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên.
Quỳnh cho rằng, hiện nay, các trường chưa chú trọng nhiều vào việc cho học sinh tham gia vào các hoạt động trải nghiệm. Trong khi thực tế, hiệu quả của các hoạt động này vô cùng rõ nét.
“Học sinh cảm thấy thích thú hơn với việc học, được học cách vận dụng tư duy, tính sáng tạo. Thông qua các hoạt động này, học sinh sẽ thấy rằng môn Toán thật gần gũi, muôn màu muôn sắc chứ không phải quá khô khan”, Quỳnh nói.
PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho rằng, càng ngày, Toán học càng góp phần nhiều hơn trong việc phục vụ cho đời sống, an sinh xã hội.
“Giả sử có một chuyến bay gồm 300 công dân Việt Nam trở về nước. Thay vì phải xét nghiệm lần lượt từng người, chúng ta có thể chia thành các nhóm 15 – 20 người để xét nghiệm một mẫu số chung.
Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính thì có thể kết luận tất cả các thành viên trong nhóm đó âm tính. Còn nếu kết quả dương tính thì sẽ tiến hành xét nghiệm lần lượt từng người trong nhóm. Cách chia nhóm xét nghiệm này hiệu quả hơn và không cần đến 300 lần xét nghiệm.
Trong thực tế, cách làm đã được thực hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) với hơn 10 triệu dân số. Chỉ trong vòng 2 tuần, Vũ Hán đã hoàn thành việc xét nghiệm cho tất cả người dân trong thành phố”.
PGS Hà cho rằng, đây chỉ là một ví dụ đơn giản cho thấy, Toán học đã trở thành công cụ hữu hiệu để phục vụ con người trong mọi mặt của cuộc sống.
Học sinh thích thú khi được tham gia vào các trải nghiệm toán học
Ngày hội Toán học mở là một chuỗi các hoạt động về Toán được Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức thường niên nhằm tạo cơ hội cho đông đảo học sinh, sinh viên, phụ huynh, các nhà Toán học và những nhà giáo dục cùng nhau trải nghiệm, giao lưu về Toán. Bắt đầu tổ chức từ năm 2015, năm nay là năm đầu tiên, Ngày hội Toán học mở được Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chuyển giao mô hình tổ chức về các địa phương. Ngày 4/10 vừa qua, Ngày hội được tổ chức tại Cần Thơ. Ngày 6/12 tới, Ngày hội sẽ được tổ chức tại TP. HCM. |
Thúy Nga - Thanh Hùng
GS. Ngô Bảo Châu ‘chịu thua’ câu hỏi hóc búa của học sinh yêu toán
Tại Ngày hội Toán học mở 2020 (Cần Thơ), GS. Ngô Bảo Châu đã nhiều lần bất ngờ trước câu hỏi “hóc búa” do các học sinh yêu toán đặt ra sau bài giảng. Với nhiều hoạt động thú vị, chương trình đã thu hút hơn 2000 người tham dự.