Năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày: 10/6, 17/6, 8/7. Bài thi đánh giá tư duy gồm 3 phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với 3 mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao).
Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với 4 dạng cấu trúc: chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn. Bài thi đánh giá tư duy năm 2023 được điều chỉnh gọn nhẹ (thời lượng 150 phút) và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính.
Theo quy định của ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường đại học nào chấp nhận kết quả này. Như vậy với quy định này học sinh lớp 11 có thể dự thi để bảo lưu kết quả xét đại học trong năm tới.
Tương tự, Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho học sinh lớp 11 dự thi.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá chuyên biệt vào tháng 4 và tháng 6. Các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, tiếng Anh.
Tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành học. Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức.
Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt chỉ áp dụng cho các ngành: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Công nghệ thông tin, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Việt Nam học, Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm tiếng Trung Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Nhật và Ngôn ngữ Hàn Quốc.
Ứng với từng tổ hợp xét tuyển vào các ngành học, trường chọn sử dụng môn chính ứng với ngành học được lấy kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức; 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển được lấy kết quả học tập ở THPT.
Môn chính đối với mỗi ngành học được xác định như sau: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Công nghệ thông tin: Môn chính là Toán học. Sư phạm Vật lý: Môn chính là Vật lý. Sư phạm Hóa học, Hóa học: Môn chính là Hóa học. Sư phạm Sinh học: Môn chính là Sinh học. Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Việt Nam học: Môn chính là Ngữ văn. Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm tiếng Trung quốc, Ngôn ngữ Trung quốc, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Nhật và Ngôn ngữ Hàn quốc: Môn chính là tiếng Anh. Kết quả bài thi cũng có giá trị trong 2 năm.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do nhà trường tổ chức sẽ có giá trị trong 2 năm, có nghĩa học sinh lớp 11 được dự kỳ thi này. Tuy nhiên, học sinh lớp 11 nếu vượt qua kỳ thi này cũng không thể nhập học đại học nếu chưa tốt nghiệp THPT.
Theo ông Trung, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM quy định như vậy nhằm tạo cơ hội cho những học sinh lớp 11 có năng lực thì dự thi chứ không khuyến khích tất cả học sinh lớp 11 dự thi.
“Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cho phép học sinh ở các lớp thấp nếu có khả năng thì dự thi. Do vậy, nhà trường chỉ khuyến khích những học sinh thầy mình đã chuẩn bị đủ năng lực thì dự thi. Nhà trường không khuyến khích học sinh thi để lấy kinh nghiệm hay cầu may”- ông Trung nói.
Về việc đề thi đánh giá năng lực chuyên biệt có vượt cấp so với học sinh lớp 11, ông Trung nói 70% trở lên sẽ là kiến thức lớp 12, vì vậy, học sinh lớp 11 dự thi phải có sự tiếp cận kiến thức này. Đây là cơ hội nhưng học sinh phải hiểu đúng khả năng và mức độ chuẩn bị của mình.
Từ hai năm trước kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã có học sinh lớp 11 “lách luật” để dự thi. Theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, đối tượng dự thi đánh giá năng lực là những thí sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT 2023 theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Và học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc đã có bằng tốt nghiệp THPT cũng được dự thi. ĐH Quốc gia TP.HCM không khuyến khích những người không đúng đối tượng đi thi vì mục tiêu của kỳ thi là lấy kết quả làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Lệ phí các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tăng cao