- Nhiều phụ huynh có suy nghĩ: Cho con đi học thêm là yên tâm rồi, đi học thêm nhất định các em sẽ học tốt. Vì thế ít ai chịu hỏi: con mình đến lớp học thêm sẽ được học những gì?

Là một giáo viên tôi luôn nghĩ: Học sinh đi học thêm, thầy cô cần ôn tập lại những kiến thức các em bị hổng, những bài tập đã học nhưng các em không làm được hoặc làm chưa tốt, dạy cho các em kĩ năng làm bài, rèn luyện cách viết từ khó (đối với tiểu học), cách làm và lập dàn bài tập làm văn…

Nhưng một số đồng nghiệp nói: “Phụ huynh lại không thích mình dạy như thế, tụi em đã bị nhiều người lên thắc mắc sao không dạy bài mới cho các con”?

  {keywords}
Ảnh Tuổi trẻ

Các con học những gì?

Không chiều theo ý phụ huynh sẽ không có trò để dạy. Thế là vào các lớp học thêm, thầy cô phần lớn dạy kiến thức mới. Nếu ở tiểu học, các em sẽ được học một bài toán ngày mai sẽ học trên lớp, được viết một bài chính tả là xong một buổi học thêm. Với những kiến thức khó như tập làm văn hầu như thầy cô ít dạy, mà có dạy cũng cho chép một đoạn văn mẫu trên bảng về bắt các em học thuộc để hôm sau làm bài.

Với học sinh cấp hai, cấp ba, các em cũng được học bài mới, được hướng dẫn cách giải đề mà phần lớn có dạng đề tương tự đề kiểm tra một tiết.

Riêng môn văn, thay vì hướng dẫn cho học sinh biết cách phân tích đề, hướng dẫn học sinh biết cách lập dàn ý, chọn dẫn chứng minh họa và triển khai bài làm sao cho lô gich, hợp lý, cũng như chọn từ ngữ, hình ảnh phù hợp, sinh động thì phần lớn các thầy cô dạy văn thường đọc cho học sinh chép bài văn mẫu của mình đã làm đến sái tay. Các em chỉ cần học thuộc, hôm sau làm bài là có điểm cao chót vót.

Với sĩ số các lớp học thêm thường rất đông, thời gian mỗi lần học chỉ có một tiếng rưỡi làm sao cô thầy có thể kèm được những kiến thức mà một số em còn yếu. Hơn nữa trình độ học trong lớp cũng không đồng đều, chú trọng vào em giỏi, em yếu sẽ ngồi chơi và ngược lại.

Với cách dạy thêm và cách học như thế, công bằng mà nói các em cũng chẳng tiến bộ là bao. Chỉ có sự thay đổi về điểm số để đánh lừa phụ huynh rằng con mình học giỏi.

Nên chăng cho con đi học thêm

Vì được thầy cô dạy trước chương trình nên lên lớp các em cứ chủ quan vì mình đã biết trước cách làm. Có em thầy cô chưa hỏi đã nhanh nhảu nói toẹt luôn đáp án. Còn chỉ cho bạn này giảng cho bạn kia ra vẻ thông thái lắm. Có những em ỉ mình đã biết nên ngồi học không tập trung, không chú ý và khi làm bài vẫn bị sai. Vì học theo kiểu “ăn xổi” nên hôm nào vì lý do gì đó thầy cô chưa dạy kịp, những học sinh này thường làm bài không tốt.

Nhiều học sinh đi học thêm thầy cô dạy trên lớp, dù học chưa tiến bộ cũng ít bị nhắc nhở bởi dù sao phụ huynh cũng đã gửi con cho mình. Nhiều giáo viên không dạy thêm, phụ huynh phải gửi con học nơi khác, nên khi được giáo viên mời lên trao đổi việc học chưa tốt của con, họ thường nói: “Tôi đã gửi cháu đi học thêm rồi mà”. Họ cứ tin chắc rằng các em đi học thêm là phải giỏi hết.

Với học sinh tiểu học, các em được học ngày hai buổi trên trường thì việc bắt các con đi học thêm vào buổi tối cũng không nên chút nào. Ba mẹ chỉ cần dành ra mỗi tối một tiếng đồng hồ cùng con soạn sách vở ngày mai, cho con đọc qua bài cũ và bài sẽ học vài lần. Nhắc nhở các con đọc thuộc bảng nhân chia, và kiểm tra xem bài nào trên trường con làm chưa tốt để các con sữa và lưu ý lần sau.

Học sinh cấp hai, kiến thức cũng chưa nhiều cần khuyến khích con cách tự học và làm lại tất cả bài học trên lớp theo yêu cầu của thầy cô. Ba mẹ cũng cần mua thêm cuốn sách hướng dẫn giải dành cho phụ huynh để kiểm tra và gợi ý cho con khi cần. Khuyến khích con đọc thêm sách văn học để bổ sung vốn từ, đọc thêm sách văn mẫu tham khảo cách làm của họ chứ không nên khuyến khích cách học thuộc lòng để ‘sao y bản chính”.

Riêng với những em học yếu, tiếp thu chậm cha mẹ cần kiên trì dạy con chứ bắt các em đi học thêm đôi khi cũng không cải thiện gì vì lớp học đông, thầy cô sao kèm cho em được.

Đừng vì những khát vọng của người lớn mà bắt các con phải “chạy sô” miệt mài với các lớp học thêm nhưng hiệu quả lại chẳng được là bao.

  • Khánh Ngọc