Trà Cú là huyện khó khăn của tỉnh Trà Vinh. Với 15 xã và 2 thị trấn, tổng dân số gần 147.500 người, Trà Cú là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm trên 63% dân số toàn huyện. Chăm lo sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là nâng cao kiến thức về dân số và phát triển cho người dân tộc thiểu số, là nhiệm vụ quan trọng của huyện.

Đầu tháng 10, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Trà Vinh kết hợp với Trung tâm Y tế huyện Trà Cú tổ chức Hội thi "Rung chuông vàng" nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Trà Cú.

Tổng số có 100 học sinh tham dự, trả lời các câu hỏi do ban tổ chức đặt ra và loại trừ khỏi sàn đấu đối với các em trả lời sai. Các câu hỏi tập trung kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS. Các học sinh cũng trả lời về vấn đề giới tính khi sinh; về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; lợi ích của tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân phòng tránh các bệnh lý di truyền, đặc biệt là bệnh Thalassemia.

W-dan-toc-mong-yb-vnn-2.jpg
Học sinh các trường dân tộc nội trú được tìm hiểu kiến thức về dân số, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh tảo hôn. Ảnh minh họa

Hội thi là cơ hội  giúp học sinh người dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức về dân số và phát triển, từ đó, từng bước chuyển đổi hành vi của cộng đồng về tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh sớm, giảm được nhiều bệnh khác liên quan đến gene di truyền, vì mục tiêu nâng cao thể trạng và chất lượng dân số.

Đây là một trong những hoạt động thực hiện nội dung Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 7- Chăm sóc sức khỏe sinh sản nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em năm 2023 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. 

Thalassemia là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức khỏe để học tập, lao động…

Do tỷ lệ nhiễm bệnh tan máu bẩm sinh của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chiếm khá cao (từ 20-40%), một trong những nguyên nhân gây bệnh chính là do kết hôn cận huyết nên việc tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh trong vùng dân tộc thiểu số và học sinh trường dân tộc nội trú rất cần thiết.

Tuấn Anh và nhóm PV