Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ học sinh thừa cân béo phì đang ngày càng gia tăng nhất là tại các thành phố lớn. Riêng TP.HCM có hơn 40% trẻ em trong tuổi đi học bị thừa cân, béo phì. Con số này cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết thực trạng trẻ thừa cân béo phì hiện nay do tình trạng trẻ ăn quá nhiều dinh dưỡng, lười vận động. Ngoài ra, trẻ đang phải đi học quá nhiều. Một số trẻ vừa ở trường về ăn vội trên đường rồi lại đến một lớp học thêm khác. Ăn uống không đúng bữa, lạm dụng thức ăn nhanh, thiếu vận động đang làm tình trạng thừa cân - béo phì ở trẻ tăng lên.

Bác sĩ Cường từng tiếp nhận học sinh lớp 7 nhưng nặng 73 kg, cao 1m59. Trẻ vào khám trong tình trạng mệt mỏi và khi xét nghiệm gia đình đã bất ngờ khi chỉ số đường huyết của trẻ lên tới 9,7 mmol/l. Đây là chỉ số của bệnh đái tháo đường type 2. Khi tư vấn cho trẻ, bác sĩ giật mình vì nữ sinh này đi học ở trường và ăn trên đường là chính. Buổi sáng em được mẹ mua suất xôi - thịt, trưa ăn bán trú, ăn thêm bánh ngọt mang từ nhà đi, tối về em lại đi học thêm 5 buổi/tuần và thường ăn phở, gà rán, khoai tây chiên… với mục tiêu tiện, nhanh.

W-hoc-sinh-1.png
Học sinh cần cân đối thời gian học, ăn uống và luyện tập. 

Thời gian tập luyện của nữ sinh này duy nhất chỉ trong 2 tiết thể dục mỗi tuần trên lớp. Bác sĩ đã tư vấn cho phụ huynh học sinh cắt bớt học thêm thay vào đó cho trẻ đi tập luyện, vân động thể chất để giảm cân và điều chỉnh lượng đường huyết trong máu. Sau 4 tuần bé cắt giảm học thêm 1 nửa, thay vào đó hai mẹ con của nữ sinh chạy bộ và uống thuốc đã giúp đường huyết xuống ngưỡng gần 7mmol/l.

"Việc giảm cân cho trẻ và điều trị đái tháo đường cần phải có sự đồng hành của cha mẹ trong đó có việc cân bằng thời gian học và luyện tập" - bác sĩ Cường chia sẻ.

Thực tế rất đáng báo động hiện nay, học sinh đi học quá nhiều, học ở lớp, học thêm, làm bài tập về nhà. Trẻ không có thời gian để dành cho các hoạt động thể dục thể thao.

Bác sĩ Cường cho rằng học sinh béo phì dẫn tới nhiều hệ quả sức khỏe cho trẻ trong tương lai đặc biệt là nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như bệnh đái tháo đường, tim mạch, bệnh ung thư. Vì vậy, phòng ngừa béo phì ở trẻ em rất quan trọng.

Đối với gia đình, cha mẹ nên có kế hoạch sinh hoạt, ăn uống cho con hợp lý, trẻ thừa cân cần được giảm cân càng sớm càng tốt. Trẻ cần được tập luyện vận động hàng ngày. Trẻ có thể tham gia các môn vận động đối kháng như cầu lông, bóng đá, bóng bàn, bóng rổ hoặc đạp xe, đi bộ, chạy bộ…

Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử thông minh như tivi, điện thoại, máy tính, ipad cũng là biện pháp giảm nguy cơ thừa cân béo phì ở trẻ.

Với nhà trường, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc tuyên truyền cho học sinh về nguy cơ sức khỏe từ thừa cân béo phì vô cùng quan trọng. Bác sĩ Cường cho biết các cơ sở giáo dục nên mở rộng các buổi tuyên truyền cho học sinh về dinh dưỡng phù hợp, tập luyện.

Các trường học nên tăng cường truyền thông sức khỏe học đường qua đó, học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV