Năm học 2017-2018, nhiều trường đại học công lập sẽ tăng học phí do được tự chủ tài chính.

Khác hộ khẩu: Chênh lệch hơn 1 triệu đồng/tháng

Dự kiến, mức học phí tăng cao nhất thuộc về Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đây là năm đầu tiên trường này được tuyển sinh toàn quốc thay vì chỉ tuyển hộ khẩu TP.HCM như các năm trước, nên sinh viên ngoại tỉnh sẽ không được TP.HCM cấp bù ngân sách. 

Trước đó, nhà trường đã có thông báo đang lập đề án tự chủ tài chính toàn phần. So với mức học phí hiện tại chỉ 1,07 triệu/sinh viên/tháng, học phí một số ngành của trường tăng từ 3,4 đến 4,1 lần.

Học phí hàng tháng của trường giai đoạn 1 từ tháng 9 đến tháng 12/2017 dự tính như sau: Đối với sinh viên có hộ khẩu TP.HCM là 1,07 triệu đồng. Đối với sinh viên không có hộ khẩu tại TP.HCM là 2,2 triệu đồng.

{keywords}
Nhiều trường ĐH khối Y-Dược sẽ thu học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP với mức 44 triệu/năm (Ảnh: Lê Văn)

Giai đoạn 2 từ tháng 1/2018, sau khi được UBND thành phố phê duyệt đề án tự chủ tài chính theo nhóm tự chủ toàn phần, mức thu học phí sẽ được thu theo nghị định 86/2015/NĐ-CP cho các trường đại học thuộc nhóm 1. 

Mức học phí các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Dược sĩ đại học, Cử nhân khúc xạ thu 4,4 triệu đồng/sinh viên/tháng (tương đương 10 tháng là 44 triệu/năm). Các ngành còn lại từ 3 triệu đến 3,6 triệu/sinh viên/tháng (tương đương 30 -36 triệu/ sinh viên/năm). Riêng ngành Cử nhân y tế cộng đồng có mức học phí thấp nhất là 2,5 triệu/ sinh viên/ tháng (25 triệu/ sinh viên/năm). 

Đề án này đang được UBND TP.HCM xem xét phê duyệt.

Trường khối  Y-  Dược tăng dần

Cũng theo quy định của Chính phủ, mức thu học phí bình quân tối đa của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (áp dụng cho chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm học 2017 - 2018 là 18 triệu đồng/sinh viên. Bắt đầu từ năm học 2018-2019 là 19,2 triệu đồng/sinh viên/năm và năm học 2019 - 2020 là 20,4 triệu đồng/sinh viên/năm; năm học 2020 - 2021 là 21,6 triệu đồng/sinh viên.

Đối với các ngành đào tạo bác sỹ, dược sỹ, cử nhân theo nhu cầu xã hội trường được quyết định mức học phí không vượt quá mức trần học phí tương ứng quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ (tối đa 44 triệu/sinh viên/năm).

Còn tại Trường ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, mức học phí năm 2017-2018 đối với hệ đào tạo đại học chính quy đại trà vẫn thực hiện theo lộ trình đã được Chính phủ quy định.

Cụ thể theo Nghị định 86 của Chính phủ, mức thu học phí cao nhất đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học khối các trường y dược năm 2017-2018 tối đa là 1.070.000 đồng/tháng/sinh viên.

Còn đối với chương trình tiên tiến ngành điều dưỡng tại Trường ĐH Y Hà Nội, mức học phí sẽ cao gấp 1,5-2 lần mức học phí của chương trình đại trà. Theo ông Tú, đây là chương trình chất lượng cao và có kết quả tốt do đó nhà trường vẫn tiếp tục duy trì.

Ông Tú cho biết, khi nào trường xây dựng đề án tự chủ hoặc xây dựng chương trình chất lượng cao thì có thể điều chỉnh học phí còn hiện tại nhà trường vẫn sẽ thực hiện theo lộ trình học phí đã được Chính phủ quy định.

Trường tự chủ tăng trên 6 triệu/năm/sinh viên

Theo đề án tự chủ đại học được Chính phủ phê duyệt, mức thu học phí bình quân tối đa của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đối với chương trình đại trà năm học 2017 - 2018 là 17 triệu đồng/sinh viên/năm học, năm học 2018 - 2019 là 18 triệu đồng/sinh viên/năm học, năm học 2019 - 2020 là 19 triệu đồng/ sinh viên/năm học.

Nhưng theo ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết sẽ không thu mức tối đa được chính phủ cho phép mà căn cứ vào điều kiện thực tế của trường có nhiều học sinh nghèo để tăng học phí. 

Theo đó mới mức học phí hiện tại 9,5 triệu/năm/sinh viên, học phí của trường tăng cao nhất là 6 triệu/sinh viên/năm.  Học phí của các ngành kỹ thuật là 15,5 triệu/sinh viên/năm; các ngành kinh tế ngôn ngữ anh 13,3 triệu/sinh viên/năm. Đối với chương trình chất lượng cao, trường không tăng mức học phí không tăng và vẫn giữ nguyên là 26 triệu/sinh viên/năm đối với ngành kỹ thuật và 25 triệu/sinh viên/năm đối với các ngành kinh tế. 

{keywords}
Thí sinh đăng ký tuyển sinh đại học 

Ông Dũng cũng cho biết, đồng thời với việc tăng học phí trường sẽ cấp 1.000 học bổng cho các sinh viên nghèo ở khu vực 1 và 2 đảm bảo các em chỉ đóng bằng mức học phí cũ.

Tương tự, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng được Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ tài chính với mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy năm 2017-2018 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm học. Các năm tiếp theo 2018-2019 là 17 triệu đồng/sinh viên/năm học; năm học 2019-2020 là 17,5 triệu đồng/sinh viên/năm học; năm học 2020-2021 là 18 triệu/sinh viên/năm học. Cũng theo quy định này đối với các sinh viên đã nhập học trước ngày18/4/2017, trường tăng học phí với mức tăng tối đa không quá 30% của năm trước liền kề.

Ngoài các trường được tự chủ trong năm nay, các trường đã được tự chủ từ các năm trước sẽ tăng học phí theo theo lộ trình đã phê duyệt.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu tăng học phí từ năm học 2016-2017 khi trường được phê duyệt đề án tự chủ. Năm nay, theo thông báo chính thức, mức học phí bình quân là 14,4 triệu đồng năm.

Cụ thể, mức học phí của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được tính theo tín chỉ, chia theo 4 mức, từ 240.000 đồng/tín chỉ đến 320.000 đồng/tín chỉ. Mức học phí này tăng từ 55.000-135.000 đồng/tín chỉ so với năm trước (từ 30-70%).

Theo lộ trình được trường công bố, mức học phí tính trên mỗi tín chỉ vào các năm sau sẽ tăng thêm 40.000 đồng so với năm trước.

Đối với Trường ĐH Kinh tế quốc dân, mức thu học phí năm học 2017-2018 sẽ không thay đổi so với năm trước. Cụ thể, mức học phí của trường sẽ có 3 mức 12 triệu đồng – 14,5 triệu đồng và 17 triệu đồng tùy theo từng nhóm ngành.

Tuy nhiên, theo đại diện Trường Kinh tế quốc dân, một số nhóm ngành “hot”, có tính xã hội hóa cao sẽ được bổ sung thêm vào nhóm ngành có mức học phí cao là 17 triệu đồng/năm.

Mức thu cho phép ở một số trường như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho năm 2017-2018 là 17,5 triệu đồng/sinh viên/năm. Tuy nhiên đây là mức học phí cho chương trình đại trà còn các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến học phí sẽ gấp nhiều lần. Chẳng hạn, các chương trình đào tạo đặc biệt như chương trình tiên tiên, chương trình đào tạo tài năng, kỹ sư chất lượng cao PFIEV của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mức học phí tính theo tín chỉ từ 320.000 đồng – 460.000 đồng/tín chỉ (khoảng 16-23 triệu đồng/năm. Lộ trình tăng học phí của chương trình này đối với năm học sau cũng sẽ thêm 40.000 đồng/tín chỉ so với năm trước.

Mức học phí các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 25 triệu đồng/năm, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM là 24 triệu đồng/năm, còn các ngành khác của trường sẽ tăng 10-15% lộ trình theo quy định.

Thông báo của Trường ĐH Ngoại thương cũng cho biết, mức học phí năm học 2017-2018 đối với chương trình đại trà hệ đào tạo đại học tại cơ sở Hà Nội và TP.HCM là 16,8 triệu đồng/sinh viên/năm, tăng hơn 1 triệu đồng so với năm học trước.

Trong năm học 2016-2017, mức học phí tại 2 cơ sở này là 400.000 đồng/tín chỉ, khoảng 15,65 triệu đồng/năm.

Đối với cơ sở Quảng Ninh, mức học phí cũng tương tự như 2 cơ sở trên. Tuy nhiên, đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh và có 3 năm học THPT tại Quảng Ninh được hỗ trợ 30% học phí cho toàn khóa học.

Theo dự kiến, học phí các năm sau của Trường ĐH Ngoại thương sẽ được điều chỉnh tăng không quá 10%/năm. Chương trình Chất lượng cao, chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản và chương trình Kế toán – kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA dự kiến là 30 triệu đồng/năm.

Học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 50 triệu đồng/năm tăng 4 triệu so với năm học trước (46 triệu đồng/năm).

Dự kiến học phí của các chương trình này được điều chỉnh hàng năm không quá 5%/năm.

Theo đề án tuyển sinh đại học năm 2017 do Trường ĐH Thương mại công bố từ tháng 2, mức học phí năm học 2017-2018 của trường là 14,3 triệu đồng/năm.

Mức học phí này tăng hơn mức học phí năm ngoái là 1,3 triệu đồng. Năm học 2016-2017, mức học phí của trường là 13 triệu đồng.

Mức học phí này vẫn thấp hơn mức học phí trần mà Chính phủ quy định đối với trường thực hiện đề án thí điểm tự chủ như Trường ĐH Thương mại. Nhà trường cũng khẳng định mức học phí năm sau sẽ tăng không quá 10% so với năm nay.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng thông báo mức học phí trình độ đại học hệ chính quy chương trình đại trà năm học 2017 – 2018 khoảng từ 14 triệu đến 15,5 triệu đồng/sinh viên/năm.

Mức học phí này không tăng nhiều so với mức học phí năm học trước. Trong năm học 2016-2017, mức học phí là 395 000 đồng/1 tín chỉ học phí, khoảng 15.000.000 đồng/năm, tùy theo theo chương trình học của sinh viên.

Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm của học viện này sẽ được thực hiện theo quy định của Chính phủ và công bố công khai vào đầu mỗi năm học.

Lê Huyền - Lê Văn