Có những lý do về kinh tế và cả đặc điểm sinh học của cây mắc ca khiến nhà đầu tư và chính phủ các nước phát triển như Mỹ và Australia thận trọng.
>> Nỗi đau dưa hấu, nỗi niềm mắc ca
Các dự tính của doanh nghiệp, chuyên gia nông nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước được đăng tải trên truyền thông đại chúng nhìn chung thống nhất rằng, mỗi ha mắc ca có thể đem lại sản lượng trung bình 3-4 tấn hạt nguyên vỏ, giá 3,5-4,5 USD/kg như hiện nay thì người trồng có thể thu được 200-400 triệu đồng/ha.
Với 250,000 ha mắc ca dự kiến theo kế hoạch, VN sẽ đứng đầu thế giới về diện tích trồng mắc ca và doanh thu từ hạt mắc ca chưa qua chế biến theo thời giá hiện tại có thể đạt khoảng 2 tỷ đô la Mỹ. Đó là lý do vì sao báo chí VN gọi mắc ca là “cây tỷ đô” thời gian qua.
Có một câu hỏi VN cần trả lời là: Tại sao những cường quốc như Mỹ, Australia - quê hương của cây mắc ca, cũng chỉ mới phát triển mắc ca thương mại từ vài chục năm nay ?
Và sau vài chục năm, với đầy đủ ưu thế về công nghệ, hạt giống, khí hậu, thổ nhưỡng mà diện tích và sản lượng mắc ca của những quốc gia này không gia tăng mạnh mẽ, nếu quả thật trồng mắc ca có thể thu lợi đến thế?
Cẩn trọng tính toán
Trong 20 năm qua, Mỹ (Hawaii), nhà sản xuất mắc ca lớn nhất thế giới năm 1991, chiếm 57% sản lượng mắc ca thế giới, đã giảm diện tích trồng mắc ca trên 25%, từ 9.106 ha (1991) xuống còn 6.880 ha năm 2012. Sản lượng của Mỹ tuy vậy vẫn ổn định, đạt 26.308 tấn hạt nguyên vỏ (NTS) năm 2012, vì năng suất đã tăng trên 50%, đạt bình quân 3,8 tấn/ha so với 2,5 tấn/ha năm 1991.
Cây mắc ca ở Đắk Lắk |
Ở Australia, diện tích trồng mắc ca từ 1991-2004 đã tăng gần 3 lần, từ 6.000 ha lên 16.000 năm 2004, rồi ổn định đến nay với khoảng 17.700 – 18.000 ha, sản lượng đạt 40.000 tấn hạt nguyên vỏ năm 2012.
Doanh số cao nhất trong lịch sử đến nay theo giá bán tại nông trại của Mỹ (Haiwaii) là gần 45 triệu đô la (vụ mùa 1989/1990) và của Australia khoảng128 triệu (2013).
Nông dân ở Nam Phi, quốc gia đứng thứ nhất về sản lượng mắc ca hiện nay (43.000 tấn hạt nguyên vỏ, diện tích trồng 19.000 ha năm 2014), chỉ bán được hạt mắc ca nguyên vỏ ở mức giá khoảng 1/3-1/2 giá nguyên vỏ của Australia.
Điều này cho thấy bên cạnh sự vui mừng khi tìm thấy một hướng đi triển vọng phát triển nông nghiệp nước nhà, cũng cần hết sức tránh xu hướng lạc quan thái quá khi tính toán bài toán kinh tế của tương lai.
Có những lý do về kinh tế và cả đặc điểm sinh học của cây mắc ca khiến nhà đầu tư và chính phủ các nước phát triển như Mỹ và Australia hết sức thận trọng.
Thứ nhất, mắc ca là cây công nghiệp dài ngày, thời gian thu hồi vốn đầu tư dài: Sổ tay người trồng mắc ca do chính quyền Australia phát hành hướng dẫn rằng, cây mắc ca có thể bắt đầu ra quả vào năm thứ 4-5, sản lượng tăng dần và đạt tối đa từ năm thứ 12-15, mặc dù sau đó cây có thể vẫn còn cho hạt đạt sản lượng thương mại tới năm thứ 40 hay hơn nếu được chăm sóc thích hợp.
Với các giả thiết ở điều kiện giống và trồng tốt nhất, mật độ lý tưởng là 312 cây/ha thì sản lượng năm thứ 6 trung bình khoảng 600 kg hạt nguyên vỏ, năm thứ 7 khoảng 1,2 tấn, năm thứ 8 khoảng 1,8 tấn, năm thứ 10 khoảng 3 tấn, từ năm 12-15 đạt 3,5 tấn – 4 tấn.
Chi phí nhìn chung cao hơn thu nhập cho đến năm thứ 8 và chi phí cộng dồn nhìn chung cao hơn thu nhập cộng dồn ít nhất là đến năm thứ 11. Vì vậy, một số thông tin trong nước cho rằng chỉ sau 5 năm người dân đã thu hồi vốn cần hết sức cân nhắc.
Thứ hai, mắc ca là loại cây rất khó tính, có rủi ro mất mùa cao nếu không có hiểu biết đúng và tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu chọn địa điểm trồng, chọn giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch.
Trong khi quá lạc quan về khả năng sinh lợi của cây mắc ca, các phương tiện truyền thông hiện nay đề cập rất ít tới nội dung quan trọng này, mà tác hại của nó có thể rất lâu dài và to lớn, phá hủy cả một ý tưởng ban đầu có thể rất tốt.
Vì cây mắc ca rất nhạy cảm với khí hậu, thời tiết (nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa, gió...) nên rất kén chọn địa điểm trồng.
Báo cáo của Chính phủ Mỹ có nêu, mắc ca trên thế giới được trồng ở khu vực giữa 34 độ vĩ tuyến bắc và 30 độ vĩ tuyến nam, trong đó sản xuất thương mại chủ yếu thuộc khu vực giữa 16 độ vĩ tuyến bắc và 24 độ vĩ tuyến nam, trồng ở độ cao dưới 760 mét, vì cây trồng ở độ cao lớn hơn tăng trưởng chậm hơn, sản lượng hạt ít hơn và hạt có vỏ dày hơn.
Nhiệt độ dưới -2 độ C sẽ khiến cây bị hủy hoại trong vòng vài giờ trong khi nhiệt độ quá cao của xứ nhiệt đới cũng làm cây có năng suất thấp. Đây có lẽ là sai lầm Trung Quốc đã mắc phải khi ồ ạt trồng 6 triệu cây mắc ca tại Vân Nam, đạt số lượng cây hiện tại của Australia.
Năm 2014, giám đốc điều hành Hiệp hội mắc ca Australia Jolyon Burnett đã tế nhị nhận xét về sai lầm này của Trung Quốc như sau “sản lượng hiện tại rất thấp, nhưng tôi nghĩ nếu họ có thể giải quyết được một số trong những thách thức họ đang đối mặt thì đây sẽ là vùng sản xuất mắc ca quan trọng trong tương lai...
Họ đang trồng mắc ca ở độ cao 700-1200 mét, vì thế độ cao này là cao hơn rất nhiều so với cây trồng ở Australia. Thời tiết lạnh và thậm chí có thể có tuyết là điều không ai biết được, thời tiết rất ẩm ướt và quá u ám. Thứ hai là độ dốc, cần phải nhìn tận mắt để tin rằng mọi người ở đây đang trồng cây ở sườn núi, nếu thu hoạch bằng tay thì cũng có thể, nếu không đặc biệt quan tâm đến hiệu quả”.
Giống cây cũng là một rủi ro khác: sau khi đầu tư khoảng 10 năm mới có thể khẳng định. Có tầm quan trọng như thế, nhưng ươm tạo giống và quản lý thị trường cây giống vẫn là một trong những khâu yếu xưa nay của nước ta, dù nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và xuất khẩu.
Cần đầu tư bài bản
Sau 20 năm kể từ khi trồng thí điểm cây mắc ca tại Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng, Viện khoa học lâm nghiệp VN ở huyện Ba Vì, Hà Nội, đến nay Việt Nam đã có từ hơn 2.000 – 5.000 ha, trong đó khoảng 50% cây giống trồng từ hạt, không có nguồn gốc rõ ràng.
Thử nghiệm của Trung tâm với 2 ha mắc ca trồng từ hạt sau 5 năm gần như toàn bộ diện tích không đậu quả.
Ngoài ra, cây mắc ca cũng bị tác động của sâu bệnh như các loại cây trồng khác, và rủi ro từ sâu bệnh ảnh hưởng tới sản lượng cũng rất lớn.
Báo cáo của công ty Mauna Loa Macadamia Nut ở Hawaii (Mỹ) cho thấy, công ty đã mất gần 15% số lượng cây đang cho thu hoạch do bệnh thoái hóa cây đột ngột (MQD - làm lá úa và cây chết) từ năm 1989-1991.
Thời tiết hạn hán giữa năm 1990 là nhân tố quan trọng làm giảm 25% sản lượng mắc ca của Australia năm 1991. Chi phí phòng chống sâu bệnh ở Australia chiếm khoảng 38% chi phí chăm sóc cây hàng năm, gấp đôi chi phí lao động.
Chi phí đầu tư ban đầu và hàng năm lớn: Chính vì lý do trên, để trồng ra hạt mắc ca có giá trị kinh tế cao thì chi phí đầu tư ban đầu và cả chăm sóc cây hàng năm đến thu hoạch là rất lớn. Chi phí chăm sóc ở Australia và Mỹ khá ổn định và tương đương nhau trong 2 thập kỷ qua, từ 4.000-5.000 đô la Mỹ cho 1 trang trại 312 cây/ha hay từ 13-16 đô la Mỹ/cây.
65% chi phí chăm sóc hàng năm ở Mỹ là chi phí tiền công lao động, trong khi chi phí này ở Australia chỉ chiếm 16% vì áp dụng được cơ giới hóa, còn chi phòng chống sâu bệnh ở cây chiếm 38%.
Khoản chi lớn khác là chi cho hệ thống tưới nước cho cây mắc ca. Nghiên cứu của Slaughter và Mulo thời gian từ 2004-2010 ở Australia cho thấy chênh lệch sản lượng ở những trang trại có đầu tư tưới nước so với trang trại không đầu tư trung bình là 1,6 tấn hạt nguyên vỏ/ha, chênh lệch thu nhập hàng năm trung bình 2.890 đô la Mỹ và giá trị hiện tại ròng NPV đạt trung bình 31.947 đô la Mỹ, cao hơn gấp đôi so với trang trại không đầu tư hệ thống tưới (15.529 đô la Mỹ).
Chi phí đầu tư ban đầu để có 20 ha mắc ca lên đến 400.000 đô la Mỹ (có hệ thống tưới) và 300.000 đô la Mỹ (không có hệ thống tưới), tương đương với xấp xỉ 50-60 đô la Mỹ/cây, cộng với 120.000 đô la Mỹ đầu tư vào năm thứ 5 khi bắt đầu thu hoạch.
So với Mỹ, Australia có lợi thế rất lớn vì chi phí lớn nhất trong sản xuất ở các nước phát triển chính là chi phí lao động, đây cũng là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của các nước đang phát triển, nhưng Australia với địa hình trồng mắc ca thuận lợi đã tiết kiệm được chi phí này nhờ cơ giới hóa.
Vì thế, các nước đang phát triển như Kenya, Trung Quốc hay Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với Australia nếu muốn sản xuất hạt mắc ca chất lượng cao tương đương, bán với giá cao 3-4 đô la Mỹ/tấn hạt nguyên vỏ như chúng ta đang tính toán hiện nay, mà thiếu quan tâm đầu tư vào máy móc, kỹ thuật công nghệ, nhân lực một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Kenya, cường quốc thế giới về sản lượng mắc ca đang đứng trước khủng hoảng, theo báo cáo ngành này toàn cầu năm 2014: nơi đây, người dân phải thức đêm canh phòng cây mắc ca khỏi bị kẻ trộm hái trước khi chín, những tên trộm bán hạt này trên thị trường với giá rẻ mạt, đồng thời cũng khiến người nông dân phải vội vã thu hoạch hạt bất kể xanh chín.
Đến nỗi, Hiệp hội mắc ca vùng Biashara, Kenya đang kêu gọi chính phủ và các tổ chức phi chính phủ thiết lập giá sàn hạt mắc ca nguyên vỏ ở mức 0,58 đô la Mỹ/kg.
Chú ý cầu tiêu dùng
Một vấn đề phải tính toán đó là cầu có khả năng thanh toán của hạt mắc ca không lớn như hình dung, mà ngược lại, mắc ca là loại hạt có cầu tiêu dùng rất nhạy cảm với biến động thu nhập của người tiêu dùng.
Nghiên cứu của Cahyono được Chính phủ Mỹ sử dụng cho thấy, hệ số co giãn của cầu hạt mắc ca theo thu nhập được ước lượng là 4 so với hệ số 0,8 của hạt hạnh nhân. Vì vậy, có lẽ rất xa xỉ nếu cho rằng phần lớn hạt mắc ca VN sản xuất được trong tương lai sẽ được tiêu dùng trong nước.
Năm 2013, với thu nhập bình quân đầu người trong khoảng 25.000-45.000 đô la Mỹ/năm thì tiêu thụ mắc ca bình quân đầu người của Đài Loan, Nhật, Đức đạt khoảng 20-25 gam. Đó là lý do tại sao Nam Phi xuất khẩu 95% sản lượng mắc ca hàng năm, tỷ lệ này của Australia là 65-70%.
Trong vòng 20 năm từ 1990-2014, giá hạt mắc ca nguyên vỏ loại tốt dao động trong khoảng 1,6 đến 3,5 đô la Mỹ/kg, giá trung bình dài hạn ước tính 2,2-2,6 đô la Mỹ/kg. Tuy nhiên, báo cáo của chính phủ Nam Phi dự báo sẽ thu hoạch sản lượng gấp đôi hiện nay trong vòng 5-7 năm tới, và Trung Quốc cũng đã trồng 6 triệu cây mắc ca, nên nếu hiện tại VN bắt đầu triển khai rộng lớn thì đến thời điểm VN có thể thu hoạch, liệu giá mắc cao có như chúng ta đang dự tính hiện nay?
Về cơ bản, sự lạc quan của chúng ta thời gian qua tới từ việc đề cập đến các tính toán chi phí ở môi trường hoàn hảo mà bỏ qua một số yếu tố có thể xảy ra trên thực tế, và quan trọng là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của VN thường nằm ở phân khúc thấp nhất trên thị trường quốc tế (một phần lớn cũng do thiếu đầu tư bài bản chuyên nghiệp và sự dẫn dắt của doanh nghiệp).
TS Nguyễn Lan Hương (Trường Harvard Kennedy)Tiếp: Mắc ca: 'Người chơi chính' là ai?